(Xây dựng) – UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho gần 7.000 cán bộ và người dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn.
Nhờ xây dựng nông thôn mới mà nhiều tuyến đường đi lại khó khăn tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Phúc Thuận, thành phố Phổ Yên, Thái Nguyên đã được bê tông hóa. |
Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cũng như thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2025 của tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, mục tiêu của việc đào tạo, tập huấn nhằm: Đảm bảo 100% cán bộ chuyên trách xây dựng nông thôn mới các cấp, cán bộ quản lý triển khai thực hiện chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở, 100% cán bộ trong hệ thống chính trị tham gia chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP, được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP.
100% lãnh đạo quản lý, 80% lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh. 10% người dân trong cộng đồng được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch, chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tổ chức thành 115 lớp, mỗi lớp 50 học viên, trong đó: Nhóm cán bộ cấp tỉnh, huyện 8 lớp; nhóm cán bộ cấp xã, xóm và các đối tượng khác là 107 lớp (gồm 48 lớp cho 24 xã nông thôn mới; 44 lớp cho 44 xã nông thôn mới nâng cao; 15 lớp cho 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Chương trình OCOP tổ chức thành 24 lớp, trong đó có 8 lớp dành cho nhóm cán bộ quản lý, triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở; 16 lớp dành cho nhóm lãnh đạo quản lý, lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng khác.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo khung chương trình của Trung ương giai đoạn 2021-2025 ban hành, trong đó sẽ ưu tiên các nội dung như: Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nội dung cơ bản của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025; kỹ năng tuyên truyền vận động người dân trong xây dựng nông thôn mới; kỹ năng lập và triển khai kế hoạch phát triển nông thôn theo phương pháp dựa vào nội lực cộng đồng; phân tích, đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã có sự tham gia của người dân; một số nội dung về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch nông thôn gắn với các giá trị văn hóa truyền thống; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới…
Riêng Chương trình OCOP sẽ tập trung nghiên cứu nội dung mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; hướng dẫn nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh, xây dựng hồ sơ đánh giá sản phẩm, phân loại sản phẩm; quản lý, xây dựng và phát triển thương hiệu, chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP…
Thời gian đào tạo, bồi dưỡng tập trung cho các đối tượng, ngoài thời gian đi thực tế 3 ngày thì không quá 3 ngày với cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện; không quá 5 ngày đối với đối tượng cán bộ xã, xóm và đối tượng khác.
Kinh phí thực hiện đào tạo, tập huấn từ nguồn ngân sách Nhà nước (Trung ương và địa phương) bố trí hàng năm để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP.
Việt Hoan
Theo