(Xây dựng) - Huyện Tiền Hải (Thái Bình) có 27,73km bờ biển gồm nhiều bãi ngang, bãi triều rộng, khu rừng ngập mặn gần 2.000ha; với 23km đê biển và 28 cống dưới đê. Trước mùa mưa bão năm 2024, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động xây dựng phương án bảo vệ đê biển, xử lý các công trình xây dựng trái phép xâm phạm công trình đê và hành lang bảo vệ an toàn đê, hộ đê khi thiên tai bất chắc.
Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Kế đã đối thoại với các hộ, chủ các nhà hàng vi phạm hành lang bảo vệ đê biển số 6 Đông Minh. Các hộ tự nhận hành vi sai phạm của mình, hứa sẽ dỡ bỏ công trình xây lắp trên đê, trong ranh giới bảo vệ đê. |
Tại huyện Tiền Hải, xã Đông Minh xác định là trọng điểm bảo vệ đê biển của huyện có tuyến đê biển số 6 dài 7,5km, hiện có nhiều hàng quán vi phạm công trình xây dựng đê và hành lang bảo vệ an toàn đê, Huyện ủy - UBND huyện trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống mưa bão, bảo vệ đê biển.
Chủ tịch UBND huyện Phạm Ngọc Kế đã gặp gỡ đối thoại với các hộ, chủ các nhà hàng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều. Với những chứng lý cụ thể về nguồn gốc sử dụng đất, thực địa, thời gian xây cất hàng quán, hồ sơ đã xử lý vi phạm hành chính… các hộ dân đã nhận thức rõ mức độ vi phạm Luật Đê điều của mình, cam kết tự tháo dỡ, khắc phục hậu quả.
Chủ tịch UBND xã Đông Minh Trần Văn Thuận cho biết, địa phương đã chấn chỉnh công tác PCTT-TKCN, bảo vệ đê biển mùa mưa bão 2024. Yêu cầu các hộ kinh doanh không mở nhà hàng trên đê, trong hành lang bảo vệ đê, những công trình cố tình vi phạm sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. |
Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) xã Đông Minh cũng đã rà soát lại phương án PCTT bảo vệ đê điều, nhận thấy năm trước còn có những tồn tại trong công tác PCTT-TKCN để củng cố. Đó là tư tưởng của người dân trong việc PCTT-TKCN còn chủ quan, xem nhẹ hậu quả thiên tai. Kinh phí hỗ trợ cho công tác PCTT-TKCN của cấp trên còn ít, chưa cân đối với yêu cầu nhiệm vụ. Vật tư huy động tại các hộ chưa đầy đủ, chất lượng bao bì kém. Các hộ còn chủ quan thiếu tính chủ động trong công tác PCTT-TKCN.
Ngày 10/5/2024, UBND xã Đông Minh đã vận động chủ các nhà hàng ăn uống, giải khát tháo dỡ mái che, khung thép trên mặt đê biển số 6; đã có 10/12 hộ kinh doanh vi phạm tự giác tháo dỡ, nhưng chỉ “hình thức” không triệt để chấp hành. |
Việc quản lý, rà soát lập danh sách các hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê chưa cụ thể, chưa chính xác về tên chủ và số lượng lao động về hiện trạng do các hộ tự ý chuyển nhượng diện tích nuôi trồng không thông qua UBND xã. Công tác đôn đốc các chủ hộ nuôi ngao, tàu thuyền vào đất liền trước khi bão về chưa thực hiện triệt để, do các chủ bãi ngao còn có tư tưởng chủ quan. Một số tàu thuyền, người lao động còn cố tình ở lại chòi canh ngao và đi lại trên biển, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN phải ra tận nơi để yêu cầu công dân đó vào đất liền.
Các lều, sàn, quán bán hàng kinh doanh xây dựng trái phép trên mái đê gây nguy hiểm và mất an toàn cho tuyến đê biển trong mùa mưa bão còn nhiều. Năm 2023, các vụ việc vi phạm đê điều tuy đã lập biên bản từ 1 đến 3 lần nhưng chưa đôn đốc thực hiện được. Việc làm nhà, hàng quán lên đỉnh kè và mái đê, đổ rác thải, đào ao làm đầm nuôi trồng thủy hải sản ở chân đê, xe ô tô quá tải còn vụng trộm vận hành trên mặt đê.
Có hộ kinh doanh không tháo xà vượt trên mặt đê, chỉ dỡ tấm lưới che; có hộ tháo xà vượt mái che, nhưng còn để nguyên dạng bàn ghế, quầy quán vật cản trên đê. |
Xã Đông Minh đã chấn chỉnh công tác PCTT-TKCN, bảo vệ đê biển mùa mưa bão 2024. Đảng ủy, UBND xã phối hợp với các đoàn thể huy động vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời xử lý bất chắc, rủi ro và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhu cầu thưởng thức văn hóa ẩm thực của du khách, nguyện vọng kinh doanh đáp ứng nhu cầu thực khách là đúng, nhưng không thể chấp nhận tình trạng chiếm dụng mặt đê, mái đê làm nơi kinh doanh. Xây dựng nhà hàng kinh doanh trên đê, là vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. |
Xã chuẩn bị vật tư, phương tiện PCTT-TKCN đã hợp đồng mua 2.000 bao bì, 1.500 cọc tre, phương án lấy đất dự phòng ở các cống qua đê biển do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đủ khối lượng theo hợp đồng. Lực lượng xung kích cơ động gồm 150 người được chọn cử từ 5 thôn giao cho lực lượng dân quân tự vệ.
Ngày 10/5/2024, UBND xã Đông Minh đã thành lập Ban chỉ đạo và các Tổ công tác tổ chức vận động các chủ nhà hàng ăn uống, giải khát thu dỡ toàn bộ mái che, khung thép, khung gỗ qua tuyến đê biển số 6.
Ngay hôm đó đã có 10/12 hộ kinh doanh tự giác tháo dỡ, 2 hộ kinh doanh xin hỗ trợ nhân lực của UBND xã để thực hiện việc tháo dỡ, đảm bảo không gây cản trở cho công tác kiểm tra, cứu hộ khi mưa to bão lớn đến; và phòng tránh tình huống bất trắc xảy ra với công trình đê biển trên địa bàn.
Tiền Hải nên đề xuất với tỉnh bố trí khu văn hóa ẩm thực, phát triển du lịch biển tạm cho du khách, phù hợp quy hoạch sử dụng đất của địa phương; để tránh hoạt động tự phát mất cảnh quan môi trường, xâm phạm hành lang bảo vệ đê biển. |
Tuy nhiên thực tế tuyến đê biển số 6 trên địa bàn xã Đông Minh, các hộ dân xây dựng trái phép công trình trên mặt đê, mái đê trực tiếp ảnh hưởng đến công trình bảo vệ đê theo luật bảo vệ đê biển có tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng cũng chưa triệt để, mới chỉ dỡ bỏ mái che, mái vẩy trực tiếp phủ trên mặt đê, hàng quán trên thân đê mái đê còn nguyên. Chỉ tháo dỡ theo dạng “hình thức”, không xuất phát từ ý thức chấp hành và thiếu sự cương quyết của chính quyền.
Cụ thể, ngày 26/5/2024, giữa “thanh thiên bạch nhật” một nhà hàng ngay ở đầu đường Đồng Châu đang tái dựng mái che trên mặt đê, các nhà hàng khác đang rục rịch dừng lại phần đã tháo dỡ ngày 10/5/2024.
Tiền Hải nên tham khảo thiếu sót trong quy hoạch xây dựng hàng quán bám đường ven biển quá dày đặc của tỉnh bạn, đã phải dỡ bỏ vì mất giá trị phong cảnh, vô tình tạo con đê hàng quán chắn cửa biển. |
Một thực tế vì mưu sinh của người dân, vì nhu cầu phục vụ của khách du lịch mà du lịch là một trong năm trụ cột lớn của kinh tế biển, Tiền Hải không thể để lãng phí tài nguyên đường bờ biển. Nhưng không thể để tình trạng chiếm dụng mặt đê, mái đê làm nơi kinh doanh dịch vụ du lịch được. Những người cố tình xâm phạm công trình đê, hành lang bảo vệ đê, nghiêm trọng là đê biển phải xử lý nghiêm minh theo Luật Đê điều.
Huyện Tiền Hải có 27,73km bờ biển gồm nhiều bãi ngang, bãi triều rộng, khu rừng ngập mặn gần 2.000ha… là tiềm năng kinh tế du lịch biển quý giá, cần khai thác nhưng phải có quy hoạch, tránh xâm phạm công trình đê biển. |
Nên chăng, trước mắt Tiền Hải cần đề xuất với tỉnh bố trí sắp xếp nơi kinh doanh ăn uống giải khát tạm cho du khách, phù hợp quy hoạch sử dụng đất ở địa phương như sử dụng quỹ đất đất 5% của xã, ở những vị trí thích hợp trên đường bờ biển dài đến 27km của huyện, mới xóa được tình trạng xử lý hàng quán xâm phạm công trình bảo vệ đê biển ở địa phương đang như “bắt cóc bỏ đĩa” không có hiệu quả bảo vệ đê biển mùa mưa 2024.
Vũ Phong Cầm
Theo