(Xây dựng) - Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 101km đường sắt, khổ đường dự kiến rộng 1.435mm và sân bay chuyên dụng nằm ở ven biển Thái Bình.
Phối cảnh tổng thể không gian Khu kinh tế ven biển tỉnh Thái Bình. |
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Theo quy hoạch được duyệt, tỉnh Thái Bình sẽ có 101km đường sắt, khổ đường dự kiến rộng 1.435mm và sân bay chuyên dụng nằm ở ven biển Thái Bình.
Trong đó, cụm cảng hàng không ở Thái Bình bao gồm các điểm đáp trực thăng, các bãi đáp thủy phi cơ, phục vụ du lịch, an ninh - quốc phòng, cứu hộ, cứu nạn trên biển; Vị trí quy hoạch xây dựng dự kiến tại khu vực cửa lân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (là huyện có 16 xã nằm trong Khu kinh tế Thái Bình, gồm các xã: Đông Trà, Đông Hải, Đông Long, Đông Xuyên, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Cơ, Đông Lâm, Tây Giang, Tây Sơn, Nam Cường, Nam Thắng, Nam Thịnh, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Phú, với diện tích 12.214,8ha).
Một điểm đáng chú ý khác, hiện tại Thái Bình chưa có tuyến đường sắt nào chạy qua. Tuy nhiên, theo quy hoạch được phê duyệt, dự kiến Thái Bình sẽ có 101km đường sắt.
Cụ thể, phương án phát triển đường sắt tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 nằm trong tuyến đường sắt quốc gia và thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Văn Đạt
Theo