(Xây dựng) - Sáng 3/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 (Chương trình). Một trong những mục tiêu Chương trình hướng đến là tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa…
Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. |
Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035
Tại Kỳ họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Chương trình nhằm cụ thể hóa định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
“Việc đầu tư xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là rất cần thiết” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình. |
Chương trình có 07 mục tiêu tổng quát: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.
Trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025 - 2035.
Chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện
Thay mặt cơ quan thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhận thấy, Chương trình được xây dựng phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia theo khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công. Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình của Chính phủ.
Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. |
Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Về đối tượng thụ hưởng của Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị rà soát các đối tượng thụ hưởng của Chương trình theo hướng khái quát hơn nhưng không bỏ sót đối tượng và tránh trùng lặp. Rà soát cơ sở pháp lý của các đối tượng thụ hưởng để quản lý chặt chẽ nguồn lực đầu tư.
Về phạm vi, quy mô thực hiện Chương trình, Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất về phạm vi, quy mô thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị căn cứ điều kiện thực tiễn ở địa phương, kết quả đầu tư của ngân sách Nhà nước ở các thời kỳ trước và khả năng bố trí nguồn lực, xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm, cấp bách để ưu tiên thực hiện trước.
Về thời gian thực hiện Chương trình, đa số thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm, phân chia thành 3 giai đoạn là hợp lý; Có thời gian để các cơ quan chuẩn bị thực hiện Chương trình.
Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, có ý kiến đề nghị xác định thời gian thực hiện Chương trình theo hai giai đoạn là 2026 - 2030 và 2031 - 2035 để đảm bảo tính khả thi trong việc phân bổ nguồn vốn, phù hợp với giai đoạn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời thuận tiện trong công tác theo dõi, đánh giá.
Đối với năm 2025, các hoạt động chuẩn bị thực hiện Chương trình được phân công cho các cơ quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và được bố trí kinh phí trong phương án dự toán chi thường xuyên của cơ quan theo phân cấp ngân sách Nhà nước hàng năm.
Về mục tiêu của Chương trình, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban nhận thấy các mục tiêu của Chương trình được xây dựng dựa trên các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa trong các nghị quyết của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn về hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình.
Ủy ban cho rằng mục tiêu tổng quát của Chương trình khá nhiều, trong đó, có những nội dung đã bao quát các mục tiêu còn lại. Các mục tiêu cụ thể cần hướng đến việc thực hiện mục tiêu tổng quát, bảo đảm tính khả thi, phù hợp hơn với thực tiễn và khả năng nguồn lực đầu tư.
Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể, sẽ xây dựng các giải pháp và xác định nguồn lực, tiến độ thực hiện để đạt được mục tiêu.
Ủy ban đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể và có số liệu đầy đủ về hiện trạng; Bổ sung nhận định làm cơ sở đề xuất hệ thống các mục tiêu, chỉ tiêu; bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình.
Về các nội dung thành phần của Chương trình, Ủy ban nhất trí với 10 nội dung thành phần của Chương trình và cho rằng các nội dung này đã phản ánh được đầy đủ yêu cầu về lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy, hệ thống chỉ tiêu lớn, nhiều nội dung được lượng hóa, tuy nhiên chưa được thuyết minh cụ thể về cơ sở khoa học, thực tiễn để xác định. Nhiều chỉ tiêu hỗn hợp, ghép nhiều nội dung khác nhau, dẫn đến khó thống kê, khó thực hiện, khó đánh giá kết quả. Một số chỉ tiêu còn cao so với thực tế, chưa phù hợp với yếu tố đặc thù của từng vùng, từng địa phương.
Nhiều nhiệm vụ cụ thể của một số nội dung thành phần còn chung chung, dàn trải, mang tính mục tiêu nhiều hơn. Nhiều nội dung chưa được thiết kế hợp lý, phù hợp với nguồn lực thực hiện.
Một số nội dung cụ thể chưa phân cấp rõ ràng về trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện; có nhiệm vụ không phù hợp với thẩm quyền theo các văn bản mới ban hành.
Ủy ban đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách cụ thể, hệ thống, phù hợp hơn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ủy ban cơ bản nhất trí với 6 nhóm giải pháp thực hiện Chương trình Chính phủ đã đề xuất. Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị, cụ thể hóa về nhiệm vụ, lộ trình, tiến độ thực hiện đối với giải pháp hoàn thiện thể chế; xác định rõ hơn nữa các giải pháp huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của địa phương, có sự phân định một số nhóm địa phương khác nhau; cụ thể hóa các giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa; xác định rõ một số nội dung, nhiệm vụ tập trung ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội.
Về một số đề xuất, kiến nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng Chương trình. Do đó, Chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện; chuẩn bị Hồ sơ bảo đảm chất lượng, đồng thời, bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Minh Hằng
Theo