(Xây dựng) - Ngày 5/5, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1547/BXD-QHKT gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo triển khai thi hành Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công trình trường mầm non ở Biên Hòa, Đồng Nai là công trình kiến trúc đẹp được xếp hạng trên thế giới (ảnh minh họa: Hiroyuki Oki). |
Theo đó, triển khai Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 16/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Kiến trúc và Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nội dung sau:
Tăng cường quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục chủ động, tích cực triển khai thực hiện Luật Kiến trúc, bảo đảm công tác quản lý Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả cao, đồng bộ thống nhất toàn diện trong hoạt động kiến trúc, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Báo cáo việc triển khai thi hành Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số nội dung chính như: Thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động kiến trúc trong phạm vi địa giới hành chính theo quy định của Luật Kiến trúc và phân cấp của Chính phủ; ban hành văn bản theo thẩm quyền; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kiến trúc.
Bên cạnh đó, báo cáo việc thực hiện và phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra và giám sát chất lượng kiến trúc trong dự án đầu tư xây dựng. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về kiến trúc cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp. Cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hành nghề kiến trúc trên địa bàn; quản lý và cung cấp thông tin phục vụ hoạt động kiến trúc.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương báo cáo việc xây dựng các Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư nông thôn từ ngày 1/7/2020 và các năm tiếp theo. Việc tổ chức nghiên cứu, khảo sát và quy định nội dung yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với địa bàn quản lý; lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo quy định của Luật Kiến trúc. Mặt khác, các địa phương cũng phải báo cáo tình hình thực hiện việc cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc; thi tuyển phương án kiến trúc; tổ chức Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh.
Ngoài các nội dung trên, các địa phương căn cứ Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 báo cáo tổ chức xây dựng kế hoạch và thực hiện Định hướng phù hợp với điều kiện địa phương.
Luật Kiến trúc số 40/2019/QH14 được Quốc hội Khóa XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Luật có 5 chương với 41 điều quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Hà Khánh
Theo