(Xây dựng) – Đây là chủ đề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 19/9, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thông tin về Chương trình Diễn đàn đã được 4 cơ quan nói trên công bố tại họp báo sáng 17/9.
Họp báo thông tin về chương trình Diễn đàn. |
Theo đó, Diễn đàn sẽ do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc và chỉ đạo; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu đề dẫn, gợi ý một số nội dung thảo luận của Diễn đàn.
Diễn đàn gồm 2 chuyền đề và 1 phiên toàn thể. Trong đó, chuyên đề 1 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”, tập trung vào các nội dung tháo gỡ nút thắt, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, các thị trường yếu tố sản xuất, nhất là thị trường vốn, thị trường tài chính; khơi thông nguồn lực, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Chuyên đề 2 với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”, tập trung vào các nội dung nâng cao năng suất lao động, hoàn thiện chính sách liên quan đến an sinh xã hội, ổn định việc làm, hỗ trợ người lao động…
Phiên Toàn thể với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, tập trung vào các nội dung: Đánh giá tóm tắt kết quả giữa nhiệm kỳ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững (phục hồi động lực hiện tại, kiến tạo động lực tăng trưởng mới); Cải cách thể chế, góc nhìn về tính đồng bộ trong quản trị quốc gia, doanh nghiệp, địa phương...
Chủ tịch Quốc hộ Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc Diễn đàn.
Theo Ban tổ chức, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái.
Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn.
Đứng trước bối cảnh đòi hỏi phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp căn cơ có tầm chiến lược lâu dài; giải pháp để tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.
Tăng cường, phát huy nội lực, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tận dụng ngoại lực hiệu quả, kịp thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng đang là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước.
Các ý kiến, tham luận tại Diễn đàn sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sắp tới.
Quý Anh
Theo