(Xây dựng) – Vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, mỗi gia đình cần chủ động tiết kiệm điện năng, tắt bớt các thiết bị trong nhà, thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng thiết bị, rút phích cắm khi không sử dụng…
Mỗi hộ gia đình cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện năng. |
Nắng nóng đạt đỉnh điểm
Trong một công bố mới đây của Liên hợp quốc (UN), hiện tượng thời tiết El Nino (pha nóng) đang có xu hướng gia tăng, góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu lên ngưỡng cao hơn và tạo ra những kỷ lục nhiệt độ mới. Năm 2023 được dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng này.
Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, năm nay nắng nóng đến sớm và có xu hướng gay gắt hơn hẳn so với những năm trước. Nhiều khả năng còn xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc.
Ngay từ tháng 5, thời tiết phía Tây Bắc bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã chuyển nắng nóng cục bộ. Nhiệt độ dao động từ 37 - 40 độ C, nhiều nơi lên tới 42, 43 độ C. Thời điểm từ ngày 21/4 - 20/5 đã xảy ra 5 đợt nắng nóng diện rộng, trong đó đáng lưu ý đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt diện rộng xảy ra từ ngày 4-7/5.
Theo dự báo, tháng 6 này xu thế nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Bắc bộ cao hơn từ 0,5 - 1 độ C. Số ngày nắng nóng gia tăng hơn tại Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ và ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Do thời tiết nắng nóng trên cả nước xảy ra liên tục nên nhu cầu sử dụng điện của các hộ gia đình đều có xu hướng tăng cao. Lượng điện năng tiêu thụ tăng mạnh có thể dẫn đến nguy cơ sự cố lưới điện; nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm.
Sử dụng thiết bị an toàn, có dán nhãn tiết kiệm
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố về điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cùng các chuyên gia đã có khuyến cáo người dân, các hộ gia định cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Theo đó, đối với tất cả các thiết bị điện, người dân sử dụng thiết bị có dán nhãn tiết kiệm, thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng, rút phích cắm khi không sử dụng.
Vào mùa nóng, các hộ gia đình thường xuyên sử dụng điều hòa không khí để làm mát nhanh. Tuy nhiên, trời càng nóng, hiệu quả năng lượng của máy càng giảm, nhiệt độ ngoài trời tăng 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng 2-3%; chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời càng lớn, điều hòa càng tốn điện. Bên cạnh đó, người dân có thói quen chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa, không ngắt aptomat, cài đặt nhiệt độ điều hòa quá thấp cũng gây ra tốn điện năng.
Để sử dụng tiết kiệm điện mùa nắng nóng, các hộ gia đình nên chọn mua máy điều hòa có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; lắp điều hòa có công suất phù hợp với diện tích phòng; cài nhiệt độ điều hòa ở múc 26 - 28 độ C trở lên (nên sử dụng quạt kết hợp); chống thoát nhiệt qua các khe hở (cửa ra vào, cửa sổ); thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng, bảo trì điều hòa.
Đồng thời, không tắt đi bật lại điều hòa liên tục, nhiều lần. Nguyên nhân là do mỗi khi bật lại điều hòa, thiết bị cần phải hoạt động với công suất lớn hơn khoảng gấp 3 lần để khởi động máy nén và động cơ quạt và điều chỉnh nhiệt độ như đã cài đặt một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, việc tắt đi bật lại điều hòa liên tục, nhiều lần trong ngày và các hành động này diễn ra quá sát nhau sẽ gây tiêu tốn gấp 3 lần tiền điện.
Các hộ gia đình không tắt đi bật lại điều hòa liên tục, nhiều lần để tránh tiêu tốn điện năng. |
Các chuyên gia khuyến cáo, hộ gia đình nên bật điều hòa kết hợp với quạt sẽ giúp phòng mát nhanh hơn, khí lạnh được phân bổ đều hơn, giảm thiểu tình trạng thiết bị bị quá tải dẫn đến chập cháy và tiết kiệm điện năng với điều hòa. Lưu ý, khi bật quạt kết hợp với điều hòa, người dùng nên bật cả 2 thiết bị ở tốc độ vừa phải, không nên để quá lạnh.
Bên cạnh đó, các hộ gia đình cũng có thể dùng quạt trần thay thế cho điều hòa. Quạt trần đem lại không khí mát dịu, thoải mái và chỉ tiêu tốn 10% điện năng so với máy quạt hay điều hòa. Đối với quạt điện, nên lựa chọn quạt có công suất vừa đủ, để ý nhãn năng lượng của quạt, dùng quạt ở tốc độ trung bình đủ để làm dịu không khí và tiết kiệm điện.
Giảm các thiết bị điện không nhất thiết phải dùng, giảm sử dụng máy lọc không khí, máy lạnh, máy quạt thay vào đó là nguồn gió tự nhiên từ việc mở cửa sổ vào thời điểm chiều tối. Tránh sử dụng điện trong khung giờ cao điểm lúc 9 giờ 30 phút, 11 giờ 30 phút, 17 giờ, 20 giờ.
Đối với tủ lạnh, nên chọn tủ lạnh có dung tích phù hợp, sắp xếp gọn gàng, đặt nhiệt độ ở mức vừa phải; hạn chế đóng mở tủ lạnh nhiều lần và mở quá lâu; không để thức ăn nóng vào tủ lạnh; thường xuyên vệ sinh, kiểm tra độ kín của cửa tủ lạnh; không để sát tường, tránh xa các thiết bị sinh nhiệt.
Bình nóng lạnh chỉ khi nào có nhu cầu mới bật bình để tiết kiệm; hạ nhiệt độ làm nóng trước cho bình; thường xuyên kiểm tra và bảo trì bình nóng lạnh; nên dùng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Trong gia đình nên sử dụng đèn compact, đèn led, tận dụng ánh sáng tự nhiên; nên chủ động nấu cơm trước khi ăn từ 30 - 45 phút; sử dụng thiết bị là đồ, ủi đồ tiết kiệm, tập trung ủi đô trong một lần sử dụng…
Yến Mai
Theo