(Xây dựng) - Trong những năm gần đây, lối sống tối giản đã và đang trở thành xu hướng của giới trẻ. Một trong những cách phổ biến nhất để bắt đầu sống tối giản chính là việc ứng dụng phong cách này lên nội thất và không gian sống.
Vlog của Youtuber Giang ơi liên quan tới chủ đề về tối giản nội thất nhận được 643 ngàn lượt xem và hàng trăm bình luận ủng hộ (Ảnh chụp màn hình). |
Chủ nghĩa tối giản trong thiết kế nội thất
Kiến trúc sư người Đức Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969) là cha đẻ của trường phái tối giản (Minimalism) trong thiết kế nội thất. Các công trình của ông tuân theo nguyên tắc không gian đơn giản, gọn gàng, tinh tế. Ông chú trọng tới các đường nét cơ bản như đường thẳng, đường vuông góc. Với câu châm ngôn nổi tiếng “Less is more”, chủ nghĩa tối giản của ông hướng đến việc sàng lọc những điều thừa thãi, tạo không gian gọn gàng cho thiết kế của mình.
Thời gian gánh chịu dịch Covid-19 dài đằng đẵng đã khiến mọi người, đặc biệt là giới trẻ, phải tập quen với việc dành nhiều thời gian sinh hoạt và làm việc tại nhà. Mọi người sẽ phải chú trọng hơn tới không gian sống vì đây là nơi họ dành nhiều thời gian nhất.
Lối sống tối giản dần trở thành một phong cách sống riêng, đầy cá tính của một bộ phận người trẻ. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, nhiều người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã nhận ra lợi ích đến từ việc sống tối giản để lan tỏa lối sống này đến với công chúng và nhận được những phản hồi tích cực, điển hình có thể kể tới như youtuber Giang ơi, youtuber Hieu Nguyen, youtuber The Present Writer...
5 bước để tối giản hóa không gian sống
5 bước để đơn giản hóa không gian sống. |
Theo những kiến trúc sư đang nghiên cứu về phong cách tối giản, bước đầu tiên, chúng ta cần hạn chế số lượng đồ nội thất không cần thiết. Trừ những đồ vật thiết yếu như giường ngủ, tủ quần áo, bàn ghế... mọi người có thể giảm bớt những đồ vật trang trí. Nội thất tối giản tuân theo quy tắc “Simple is the best”, “less is more”, tức là lược bỏ đi những vật dụng không thực sự cần thiết, chỉ giữ lại những đồ vật có giá trị thiết thực cho cuộc sống.
Bước thứ hai, chúng ta cần tiết chế màu sắc trong căn nhà của mình. Với phong cách tối giản, màu sắc được sử dụng thường không nhiều hơn 3 màu. Các màu trung tính như trắng, be, xám… được ưa chuộng sử dụng cho các mảng không gian lớn như tường, sàn để làm nền cho những điểm nhấn nội thất quan trọng. Tường màu trắng đang được sử dụng phổ biến giúp mang lại cảm giác thoáng đãng, rộng rãi cho căn phòng.
Thứ ba, sự hạn chế về màu sắc khiến ánh sáng trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng trong phong cách tối giản. Nhiều kiến trúc sư đã sử dụng rèm cửa để lọc ánh sáng tự nhiên kết hợp với những loại đèn cây, đèn thả trần nhằm tạo hiệu ứng đổ bóng, từ đó tôn lên đường nét tinh tế của đồ nội thất.
Ánh sáng là yếu tố quan trọng trong phong cách tối giản (Ảnh: Internet). |
Thứ tư, chúng ta cần tinh giản từ những chi tiết, đường nét của đồ dùng. Những họa tiết trang trí màu mè, rắc rối sẽ đi ngược hoàn toàn với 2 chữ “tối giản”. Phong cách này thiên về sử dụng những đồ vật có đường nét ngang bằng sắc cạnh tạo nét hiện đại, gọn gàng, tránh những hoa văn trạm trổ quá cầu kỳ.
Cuối cùng, trên nền tối giản vẫn cần tạo ra điểm nhấn để tránh cảm giác nhàm chán. Đó có thể là một lọ hoa, một bức tranh nghệ thuật hay một chiếc gương treo tường có thiết kế đặc biệt, miễn là không tạo cảm giác xung đột màu sắc với không gian xung quanh.
Anh Nguyễn Quang Chiến, một nhà thiết kế nội thất và cũng là một người đang lựa phong cách nội thất tối giản chia sẻ: “Theo tôi, sống tối giản là phong cách kết hợp được sự hiện đại, đơn giản và tinh tế. Khi thiết kế, tôi chọn 2 màu trắng, xám làm màu sắc chủ đạo. Về nội thất, ngoài tivi, tủ lạnh và đồ điện thì tôi thích các đồ vật trang trí nhìn đơn giản nhất có thể với những đường nét mềm mại. Riêng tủ quần áo, tôi làm theo dạng kéo ngang kiểu Nhật và âm tường, từ đó tạo cảm giác rộng hơn cho phòng ngủ”.
Căn hộ của anh Nguyễn Quang Chiến được thiết kế theo phong cách tối giản (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Tối giản nội thất chỉ lợi mà không hại?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tối giản nội thất có ảnh hưởng rất tích cực đối với sức khỏe tinh thần của con người. Theo Dee Johnson, thành viên của Hiệp hội tư vấn và trị liệu tâm lý Vương quốc Anh: “Có sự thật trong cụm từ “nhà bừa bộn, tâm trí lộn xộn”. Ông cho rằng không gian sống ngăn nắp sẽ duy trì một tinh thần khỏe mạnh.
Chị Lâm Thu Thủy- một nhân viên marketing đang lựa chọn lối sống tối giản cũng chia sẻ rằng: “Đối với tôi, tối giản không gian sống đem lại rất nhiều lợi ích, tiết kiệm được cả tiền bạc lẫn thời gian. Chúng ta sẽ bớt phung phí cho những món đồ nội thất không cần thiết. Hơn nữa, chúng ta cũng sẽ không mất quá nhiều thời gian để dọn dẹp nhà cửa. Việc sở hữu vừa đủ đồ nội thất trong nhà sẽ đem lại không gian sống thoáng đãng, gọn gàng và giúp chúng ta tăng cường sự tập trung”.
Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm lại cho rằng, tối giản nội thất là phải bỏ bớt đồ đạc, dẫn đến thiếu thốn các tiện nghi. Khi được hỏi về vấn đề này, anh Nguyễn Công Đạt, một nhân viên kinh doanh bày tỏ: “Quan điểm của mình lại khác, tối giản là việc chọn lựa đồ vừa có công năng lại có tính thẩm mỹ, sắp xếp giúp không gian nhìn thoáng đãng, gọn gàng hơn. Nếu nói tối giản là bỏ bớt đồ đạc thì lại thành thiếu thốn. Tối giản là thoáng nhưng vẫn phải đầy đủ”.
Ngoài ra, lối sống tối giản nội thất phù hợp cho người độc thân hơn các gia đình, đặc biệt là gia đình có trẻ em hay gia đình đông người. Mỗi người có một nhu cầu và gu thẩm mỹ riêng, không ai có quyền áp đặt lối sống của mình lên người khác. Việc sống tối giản phù hợp với cá nhân nhưng đôi khi có thể khiến những người xung quanh cảm thấy bức bối, thiếu thốn, từ đó dẫn đến mâu thuẫn.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, một nhân viên bảo hiểm cho biết, người thân ban đầu không đồng tình với cách sống tối giản của chị: “Tôi sống chung với gia đình chồng nên việc theo đuổi phong cách tối giản ban đầu cũng gặp phải sự phản đối. Khi thấy tôi thay mới bộ bàn ghế, tủ bếp, bố mẹ chồng không thoải mái vì theo ông bà chúng vẫn dùng tốt. Chỉ là tôi thấy mình đủ điều kiện nên muốn mua mới đồng bộ, như thế nhìn sẽ thuận mắt hơn, không ngờ lại làm phật ý bố mẹ chồng”.
Vậy mới nói, để thực sự sống tối giản là một nghệ thuật. Trước khi lựa chọn sống tối giản, chúng ta cần nghiên cứu kỹ về cách thiết kế nội thất và những giá trị cũng như hạn chế mà lối sống này mang lại.
Nguyễn Hà Ly
Theo