(Xây dựng) - Địa bàn rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao song bằng cách làm phù hợp cùng quyết tâm cao, xã Long Sơn (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) đã trở thành một trong những xã đầu tiên ở huyện vùng cao này được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Đại diện xã Long Sơn nhận Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới tháng 3/2022. |
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Sơn Động là địa phương duy nhất của tỉnh Bắc Giang không có xã nào đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Quyết không để địa phương “trắng” NTM, tháng 02/2021, Huyện ủy Sơn Động ban hành Nghị quyết chuyên đề, phấn đấu tới năm 2025 sẽ có ít nhất 4 xã được công nhận đạt chuẩn, trong đó xã Long Sơn về đích trong năm 2022.
Nghị quyết là vậy song căn cứ vào thực tế, huyện quyết định dồn lực để Long Sơn hoàn thành các tiêu chí ngay trong năm 2021. Nói về quyết định này, ông Lê Đức Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động cho biết: “Với lợi thế nằm ngay sát trục đường quốc lộ, có đồng ruộng cùng hơn 3 nghìn ha rừng sản xuất, Long Sơn có nhiều điều kiện để bứt phá. Ở đây còn có một Đảng bộ mạnh, đoàn kết, luôn tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đó chính là điều kiện tiên quyết để chúng tôi tập trung đưa Long Sơn về đích sớm hơn kế hoạch”.
Thực tế, sau khi được chọn, cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể ở Long Sơn tổ chức họp, rà soát các tiêu chí cũng như đánh giá nguồn lực hiện có. Xác định các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó (hộ nghèo, thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa), cần nguồn lực lớn, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, giao cho các hội, đoàn thể đảm nhận các phần việc. Thổi “luồng gió” NTM đến khắp các ngõ, xóm, lãnh đạo xã đến từng thôn, vào từng nhà tuyên truyền, vận động người dân chung tay.
Nêu gương, từng cán bộ, đảng viên vận động gia đình, người thân hiến đất cùng nhiều cây xanh các loại để mở rộng đường, xây dựng nhà văn hóa. Thấy cán bộ làm, bà con cũng làm theo, tạo thành phong trào trong toàn xã. Nhằm khai thác lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân, địa phương vừa khuyến khích phát triển kinh tế rừng, vừa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa một số cây trồng mới vào canh tác.
Đơn cử như trong vụ đông vừa qua, thay vì bỏ ruộng như những năm trước, UBND xã tuyên truyền, vận động người dân trồng 50ha khoai tây và “thắng” lớn (mỗi sào lãi hơn 3 triệu đồng). Cùng đó, UBND xã đứng ra kết nối, giới thiệu hơn 1 nghìn lao động địa phương vào làm việc với thu nhập ổn định tại các nhà máy, cơ sở chăn nuôi, chế biến gỗ trên địa bàn huyện. Người dân cũng mạnh dạn phát triển nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cải tạo vườn tạp, rừng kinh tế năng suất thấp sang các cây trồng khác.
Điển hình như anh Ngọc Văn Viên ở thôn Thượng “đổi đời” nhờ mạnh dạn nuôi tắc kè. Hiện với hàng nghìn con tắc kè giống và thương phẩm, trung bình mỗi năm anh thu về từ 300-500 triệu đồng. Hay như anh Hoàng Văn Ánh ở thôn Điệu đầu tư hệ thống phun sương tự động để trồng cây dược liệu, mang lại thu nhập ổn định...
Nhờ đó, kết thúc năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41 triệu đồng, tăng 26 triệu đồng so với 10 năm trước; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm còn 9,17%. Đời sống nâng lên, người dân tích cực đóng góp cho phong trào chung. Như ở thôn Hạ, trong năm 2021, nhân dân tự nguyện hiến hơn 24 nghìn m2 đất, trị giá hơn 10 tỷ đồng để mở rộng đường, xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao.
“Nhìn lại gần một năm xây dựng NTM, chúng tôi không thể kể hết những việc đã làm song có thể khẳng định thành quả đạt được là xứng đáng. Hiếm có nơi nào, người dân lại quan tâm xây dựng NTM như thế”, bà Ngọc Thị Hỏn - Bí thư Chi bộ thôn Hạ nói.
Theo thống kê, cùng với 80 tỷ đồng hỗ trợ của Nhà nước, 10 năm qua (2011-2021), nhân dân trong xã đóng góp hơn 13 tỷ đồng, hiến hơn 44,8 nghìn m2 đất các loại và hơn 11,2 nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng NTM. Từ nguồn lực này, xã đã cứng hóa hơn 20,8 km đường trục thôn, liên thôn, ngõ xóm, nội đồng, 14,5km kênh mương thủy lợi, xây mới, nâng cấp 5 nhà văn hóa thôn, sân vận động.
Cùng đó, nhiều mô hình trong xây dựng NTM đã được triển khai thực hiện thành công như mô hình: Quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm; sổ tay cải cách hành chính giúp cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi, chi phí đi lại.
Hay mô hình hỗ trợ, giải quyết thủ tục hành chính lưu động cho người cao tuổi, ốm đau, bệnh tật, khuyết tật trên địa bàn, qua đó đáp ứng được yêu cầu của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Long Sơn chia sẻ: “Sau 7 tháng nước rút, cuối năm 2021, Long Sơn được hưởng “trái ngọt” khi trở thành địa phương đầu tiên ở một trong những huyện nghèo nhất nước được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngày công bố quyết định, bà con vui lắm bởi nhờ chương trình mà đời sống người dân khấm khá hơn, giao thông thuận tiện, trường học khang trang, đầy đủ. Đây chính là động lực để chúng tôi viết tiếp câu chuyện cổ tích, bắt tay xây dựng những thôn NTM kiểu mẫu, hướng đến xã NTM nâng cao trong tương lai”.
Sơn Quang - Chương Huyền
Theo