(Xây dựng) - Từ nhiều năm nay, trên khu đất rộng hàng chục nghìn m2 tại khu vực Suối Lũ Bồi, thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội tồn tại nhiều công trình xây dựng do hộ ông Nguyễn Đình Lợi quản lý dưới tên gọi Khu du lịch Văn hiến tâm linh Văn Lang. Đáng nói hơn, ngoài loại hình tham quan, vui chơi, giải trí, tại đây còn công khai diễn ra hoạt động tín ngưỡng, thờ tự khiến dư luận đặt dấu hỏi hoài nghi vì mục đích sử dụng thực sự của chủ khu đất nêu trên.
Khu du lịch Văn hiến tâm linh Văn Lang nằm lọt giữa khu vực Rừng phòng hộ Sóc Sơn (Ảnh vệ tinh). |
Theo đó, năm 1994, toàn bộ khu đất rộng gần 3ha tại Suối Lũ Bồi, thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội do hộ ông Nguyễn Văn Nhật và bà Nguyễn Thị Chung khai hoang bàn giao lại cho ông Nguyễn Đình Lợi và bà Nguyễn Thị Kim Nhung. Trong giấy bàn giao nhà cửa, đất vườn ao và hoa mầu giữa hai bên chỉ thể hiện căn nhà cấp 4 nằm trên khu vườn cây ăn quả cùng một ao thả cá.
Theo tài liệu PV thu thập được, ngày 18/6/1994, Hợp tác xã Nông nghiệp Dược Thượng (Bên A) và Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Văn Lang (Bên B) ký kết hợp đồng do ông Nguyễn Đình Lợi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ đã ký Hợp đồng Thuê - Thầu Suối Lũ Bồi. Trong Hợp đồng nêu rõ: Bên B không được xâm lấn đất lâm nghiệp do lâm trường quản lý; Chỉ được phép nuôi trồng thủy sản và các loại cây cối khác trên diện tích được giao; Được làm nhà để trông coi hoa lợi…
Nói về Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Văn Lang thì đây là một đơn vị trực thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á Việt Nam được thành lập ngày 08/4/1997. Trụ sở đăng ký ban đầu tại tổ 40 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, Thành phố Hà Nội. Trong Điều lệ của Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Văn Lang khi thành lập quy định nhiều nhiệm vụ của đơn vị này; tuy nhiên, không có quy định nào thể hiện đây là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo.
Đến năm 2005, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Quang cho phép Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Văn Lang chuyển địa điểm tại về thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội (theo Hợp đồng cho thuê nhà ngày 15/4/2005 và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01178/QSDĐ ngày 2/7/2004 do UBND huyện Sóc Sơn cấp cho hộ bà Nguyễn Thị Mai Hà) theo Quyết định số 2744/QĐ-UB ngày 09/5/2005 của UBND Thành phố Hà Nội.
Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Văn Lang huy động tiền của nhiều cá nhân. |
Giai đoạn 2015 - 2016, Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Văn Lang đã huy động tiền của nhiều bà con, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam như: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhiều “lùm xùm” từ hoạt động này. Ghi nhận thực địa những ngày đầu tháng 5/2022 cho thấy, Khu du lịch Văn hiến tâm linh Văn Lang nằm lọt giữa khu vực Rừng phòng hộ Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội và nơi đây đang có hoạt động sửa chữa, cải tạo của công nhân.
Nhiều công trình mang dáng dấp đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm được xây dựng trong Khu du lịch Văn hiến tâm linh Văn Lang. |
Hàng loạt các công trình kiên cố, nhà sàn trên khu đất do ông Nguyễn Đình Lợi quản lý và sử dụng. |
Các công trình xây dựng dở dang bên trong khu du lịch. |
Bên trong Khu du lịch hàng chục công trình kiên cố đủ kiểu kiến trúc và các bức tượng tâm linh lớn nhỏ. Được xây dựng dọc bên phải khu du lịch là các công trình kiểu nhà sàn, nhà lá có kiến trúc hiện đại bao gồm cột phía dưới và mái che bên trên. Ngoài ra là các công trình được xây dựng dang dở phía trên sườn đồi. Ở phần gần đỉnh núi là các công trình kiên cố mang hơi hướng tâm linh dù Điều lệ hoạt động Câu lạc bộ Giao lưu Văn hóa Văn Lang không có chức năng nhiệm vụ thờ cúng, tín ngưỡng. Sự xuất hiện của những người lạ mặt đều không được ông Nguyễn Đình Lợi chào đón, không cho tiếp cận Khu du lịch, đồng thời người đàn ông này còn xua đuổi ngược lại trở về theo đường núi.
Theo bà V.T.H.S, người được giao khoán Rừng phòng hộ khu vực liền kề cho biết: “Tôi dựng mấy cái lều lán cho mấy người trong coi rừng ở thì ngay lập tức chính quyền xã Tiên Dược có mặt để xử lý. Thế nhưng, hàng loạt các công trình kiên cố của ông Nguyễn Đình Lợi thì không thấy họ đả động gì. Thậm chí, ông Lợi còn đặt tượng, tổ chức nhiều đoàn khách đến Khu du lịch này để cũng bái, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng mà cũng không thấy “bóng dáng” lực lượng chức năng ở đâu”.
Ở trên không gian mạng, không ít các trang web quảng bá, đăng tải hình ảnh các hoạt động của Khu du lịch Văn hiến tâm linh Văn Lang bao gồm: Khu tâm linh, khu vui chơi, khu ẩm thực, khu phố cổ và chợ quê. Những trang web này còn không ngần ngại quảng cáo Khu du lịch này còn trưng bàu nhiều pho tượng phật, đền, đài, lăng tẩm, những công trình tượng trưng cho nét văn hóa, tín ngưỡng…
Dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao từ một khu đất do Hợp tác xã Nông nghiệp Dược Thượng cho Thuê - Thầu lại có thể “biến tướng” thành Khu du lịch với hàng loạt các công trình kiên cố, bê bơi, vô tư đặt tượng được như vậy? Hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, thu hút du khách trên khu đất do ông Nguyễn Đình Lợi quản lý, sử dụng có được các cơ chức năng hay biết và cho phép không? Có hay không việc sử dụng đất rừng phòng hộ vào mục đích tư lợi cá nhân trong vụ việc này?
Trước các dấu hiệu bất thường tại Khu du lịch Văn hiến tâm linh Văn Lang, đề nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các Sở: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa và Thể thao; Nội vụ và Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, làm rõ, nếu có sai phạm đề nghị xử lý nghiêm việc quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại khu đất tại Suối Lũ Bồi, thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội, đồng thời kiểm tra, làm rõ hoạt động trưng bày tượng tâm linh, diễn ra cúng bái, tín ngưỡng, tôn giáo, vui chơi, giải trí tại Khu du lịch này.
Trước đó, vào năm 2015, Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài phanh phui vụ việc, chỉ ít ngày sau Đại lễ đúc tượng hoành tráng được tổ chức tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; cả hai pho tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ đã biến mất bí ẩn trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương. Và không ai khác chính là ông Nguyễn Đình Lợi khi đó đã nhờ người scan chữ ký của Chủ tịch Quỹ tu bổ Đền Hùng thời điểm bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Điền - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ vào văn bản giới thiệu nhân sự tham gia Ban tổ chức lễ đúc tượng tại Thái Nguyên của Quỹ Tu bổ Đền Hùng. Trên cơ sở văn bản giả mạo nói trên, ngày 03/4/2014, ông Quản Chí Công - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên đã ký ban hành Quyết định số 3977/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Tổ chức Lễ đúc tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ. Theo Quyết định này, ông Nguyễn Đình Lợi - Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ tu bổ Đền Hùng được giao làm Trưởng Ban cùng 8 thành viên khác. Tới dự buổi lẽ ở thời điểm đó có mặt đông đủ đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, thành phố Thái Nguyên, Quỹ tu bổ Đền Hùng; Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, Trụ trì chùa Phù Liễn; cùng các đại biểu đại diện cho các ban, ngành, đoàn thể và các Chư Tôn đức Tăng Ni, nhà từ thiện, du khách trong và ngoài tỉnh. Theo dự kiến, tượng Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Quốc Mẫu Âu Cơ được đúc bằng đồng (cao 2m, nặng khoảng 1,2 tấn). Chi phí đúc tượng được trích từ nguồn Quỹ tu bổ Đền Hùng cùng sự đóng góp của các nhà hảo tâm, từ thiện, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Sau khi đúc tượng sẽ được trưng bày tại Đình Hùng Vương, phường Trưng Vương, thành phố Thái Nguyên. Theo những người chứng kiến, tại thời điểm đúc tượng, rất nhiều người tham dự buổi lễ đã tháo dây chuyền, vòng, lắc, nhẫn vàng đang đeo trên người đặt vào khay do Ban tổ chức chuẩn bị để “cung tiến” trực tiếp vào lò đúc tượng. Tuy nhiên, sau khi tổ chức đúc linh đình tại chùa Phù Liễn thành phố Thái Nguyên, 2 pho tượng lặng lẽ được di chuyển đi nơi khác gần 1 năm qua, không ai nhìn thấy nó lần nào nữa! Thậm chí khá nhiều người trong cuộc khi được hỏi cũng không biết những pho tượng này được chuyển đi đâu, để làm gì. |
Minh Đạo
Theo