(Xây dựng) – Xã An Thái (Quỳnh Phụ, Thái Bình) vinh dự và tự hào khi là xã đầu tiên của tỉnh được đánh giá, xác nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Giai đoạn sau này, tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị; phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh.
Phát triển NTM gắn với giữ gìn giá trị truyền thống. |
Năm 2015, xã An Thái (Quỳnh Phụ) đạt chuẩn NTM, tháng 10/2023, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. An Thái hôm nay chào đón mùa Xuân của thắng lợi. Kết quả này sự lao động từ bằng đôi bàn tay, khối óc, sự đồng thuận, nhất trí và thống nhất của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Để đạt được chữ “đầu tiên” ấy không hề dễ dàng. Nếu như xây dựng NTM, NTM nâng cao cần nhiều nguồn lực đầu tư thì xây dựng NTM kiểu mẫu trên cơ sở kế thừa những thành quả của xây dựng NTM nâng cao cần sự chung tay, góp sức rất nhiều của người dân.
Ông Đoàn Đức Hợp - Chủ tịch UBND xã An Thái cho biết: Sau khi đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, người dân địa phương rất phấn khởi khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cảnh quan môi trường, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét từ đó quyết tâm rất cao và đồng thuận phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Xã xây dựng thôn Hạ là thôn thông minh đồng thời lựa chọn lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao làm lĩnh vực nổi trội xây dựng NTM kiểu mẫu.
Từ việc triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu khoa học, hợp ý Đảng, vừa lòng dân nên nhiều mô hình đã xây dựng và khẳng định được hiệu quả như: sản xuất lúa Bắc thơm, gạo Mễ Thương bằng chế phẩm hữu cơ tại cánh đồng Dòng thôn Hạ, phong trào hiến đất làm đường giao thông, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng nông thôn, mô hình camera an ninh, xây dựng hồ điều hoà, khu vườn cổ tích, khu vui chơi trung tâm xã…
Qua phát động phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu, toàn xã nhân rộng 12 mô hình điển hình trên các lĩnh vực qua đó vận động nhân dân phát huy nội lực, giúp nhau trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 75,25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,957%.
Ông Đỗ Quý Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, những yêu cầu cao từ bộ tiêu chí mới nhưng sau 3 năm thực hiện, Thái Bình đã gặt hái được nhiều thành quả từ chương trình lớn, cụ thể: Toàn tỉnh có 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 8 xã đã được đoàn đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn đối với các nội dung, tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh đánh giá, xác nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã được đánh giá, xác nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được tỉnh Thái Bình tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện thành công những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII; huy động được sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và đặc biệt là sự hưởng ứng rộng khắp của cộng đồng dân cư nông thôn. Tạo sự chuyển biến căn bản từ tư duy, nhận thức cho đến năng lực và hành động của đội ngũ cán bộ các cấp, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân để cùng hướng tới mục tiêu chung của xây dựng NTM.
Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã ban hành bộ tiêu chí mới trong xây dựng NTM ở các cấp độ với nhiều yêu cầu cao hơn. Với đa phần các xã đã có kế hoạch về đích, đó chính là thách thức, cần thêm lộ trình. Trước thực trạng nhiều địa phương “kêu khó”, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều các văn bản chỉ đạo, theo tinh thần xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương được triển khai, tỉnh đã có nhiều văn bản mang tính định hướng đồng thời có nghị quyết thông qua phương án phân bổ vốn thực hiện chương trình, có cơ chế, chính sách hỗ trợ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như: Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2025; Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định mức thưởng cho các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019-2022…
Nếu ở giai đoạn khởi đầu (2010-2015) tỉnh định hướng xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng NTM là người dân, tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trọng yếu, tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí. Còn ở giai đoạn sau này, tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị; phát triển bền vững kinh tế xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh.
Năm 2023, có 27 xã của 7 huyện đăng ký phấn đấu hoàn thành tiêu chí xã NTM nâng cao, dự kiến hết năm sẽ có thêm 10 xã được đánh giá, xác nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2024 có 10 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó phấn đấu có từ 3 xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu. Trong các năm 2021-2023 đã đầu tư xây dựng, nâng cấp: 23,11km đường trục xã; 16,84km đường trục thôn; 17,71km đường nhánh cấp 1 trục thôn; 99,855km đường giao thông trục chính nội đồng; 81,1km kênh cấp 1 loại 3; 545 phòng học, hạng mục phụ trợ cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở; 22 nhà văn hóa xã, 16 sân thể thao xã, 32 nhà văn hóa thôn, 21 sân thể thao thôn; 12 nghĩa trang; 13 chợ nông thôn; 05 phòng chức năng của trạm y tế...
Thực hiện Chương trình “Thắp sáng đường quê”, đến nay, toàn tỉnh có 130 xã đã đăng ký thực hiện lắp đặt 1.145,719km. Trong đó: 42 xã đã thực hiện lắp đặt 101,397km đèn điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời; 88 xã đăng ký lắp đặt đèn điện chiếu sáng bằng điện lưới với tổng chiều dài là 554,217km, đã lắp đặt được 28km.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng cư dân địa phương, Thái Bình lại tiếp tục ghi nhận một dấu mốc mới trong công cuộc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Để thực hiện được mục tiêu đó, các địa phương không ngừng khai thác tiềm năng, biến những khó khăn thành cơ hội, hành động cụ thể để tạo nên bức tranh nông thôn nhiều màu sắc. Đưa Thái Bình trở thành miền quê trù phú, văn minh và đáng sống.
Kim Oanh
Theo