(Xây dựng) – Nhiều tín hiệu tốt đẹp mang lại từ việc triển khai xây dựng chương trình Nông thôn mới, trong đó tiêu chí môi trường đã làm thay đổi đổi diện mạo, cảnh quan nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống tại nhiều bộ phận dân cư trên địa bàn Quảng Trị.
Cảnh quan, diện mạo nông thôn miền núi Quảng Trị được đầu tư khang trang, xanh, sạch đẹp từ chương trình xây dựng Nông thôn mới. |
Đến với Cam Chính, một xã đạt xã nông thôn kiểu mẫu từ năm 2020, chúng tôi như được hòa trong niềm vui chung cùng với người dân nơi đây. Đi trên những con đường nhựa, bê tông phẳng láng, hai bề đường hoa đa màu đang khoe sắc. Nhìn sự phát huy những lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng, đặc biệt là sau 9 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới và nông thôn kiểu mẫu (2010-2019), diện mạo Cam Chính đã khởi sắc rõ rệt.
Cùng với con đường Quốc lộ 585, hệ thống giao thông liên xã, liên thôn được nhựa hóa, rộng thênh thang chạy dài hàng km, hai bên đường muôn hoa khoe sắc; giao thông ra nội đồng được bê tông hóa, xe tải chạy ra đến tận chân ruộng; nhiều khu vực quán xá, quầy hàng dịch vụ mọc lên sôi động… Đời sống nhân dân đã có bước cải thiện đáng kể.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Cam Chính cho biết: Qua 7 năm (2011-2017) thực hiện xây dựng Nông thôn mới và 2 năm (2018-2019) xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, cùng phối hợp với Uỷ ban mặt trận, các ban ngành đoàn thể xã Cam Chính đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động làm sáng, xanh, sạch, đẹp làng quê như đóng góp trên 6.727 triệu đồng tiền mặt, đóng góp hơn 7.600 ngày công, hiến 31.722m2 đất, 10.976 cây các loại để giải phóng mặt bằng mở rộng lòng lề đường, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng các trục đường thôn, xóm với 562 bóng đèn; phát động trồng hoa, cây cảnh trên các trục đường tại 14/14 thôn, lắp đặt các bảng tin, pano áp phích, định kỳ hàng tháng tổ chức chỉnh trang nông thôn vào ngày cuối tháng, vệ sinh môi trường, xây dựng vườn mẫu, đường mẫu… làm cho bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp
Cũng như Cam Chính, ngay từ khi triển khai chương trình, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới, trong đó đẩy mạnh việc theo dõi, giám sát việc thực hiện tiêu chí môi trường tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường; tổ chức nhiều hoạt động như hội thi “Tuổi trẻ với công tác Bảo vệ môi trường”, chương trình Đối thoại chính sách về tài nguyên và môi trường đối với doanh nghiệp; đồng thời, triển khai tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông từ tỉnh đến cơ sở.
Tập trung huy động các nguồn lực thực hiện tiêu chí môi trường, trọng tâm là các hoạt động: nâng cao năng lực bảo vệ môi trường; tuyên truyền, truyền thông; vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng công trình cấp nước sạch; xây dựng công trình xử lý môi trường; hỗ trợ sản xuất để bảo tồn đa dạng sinh học;... Nhờ đó, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại nhiều vùng quê trên địa bàn Quảng Trị đã làm thay đổi rõ rệt về diện mạo, tạo nên cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Cùng với đó, đa số các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Nhiều địa phương đã có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, nhờ vậy góp phần nâng cao hơn ý thức của người sản xuất, kinh doanh, cũng như của chính những người tiêu dùng trong vấn đề an toàn thực phẩm; nhiều phong trào như “Ngày Nông thôn mới”, câu lạc bộ tình nguyện thu gom rác thải ở đồng ruộng, phong trào “đường hoa yêu thương” được đẩy mạnh ở các địa phương, tạo cảnh quan môi trường nông thôn sạch, đẹp.
Có thể khẳng định rằng, việc thực hiện tiêu chí môi trường trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực; ý thức bảo vệ môi trường của người dân, các cộng đồng dân cư đã được tăng lên. Song vẫn còn những tồn tại, hạn chế khi một số người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; tỷ lệ sử dụng nước sạch của các hộ gia đình trên địa bàn nông thôn vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân; nhiều địa phương đã đầu tư cụm công nghiệp tuy nhiên chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; tình trạng xây dựng cơ sở, xưởng sản xuất nhỏ lẻ, không đảm bảo về hồ sơ môi trường xen lẫn trong khu dân cư vẫn diễn ra thường xuyên dẫn đến khó kiểm soát, quản lý; nhiều địa phương chưa quan tâm quản lý môi trường tại các cơ sở sản xuất, trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ ở nông thôn; nguồn kinh phí cho thực hiện tiêu chí môi trường phân bổ trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới còn hạn chế, công tác xã hội hoá thực hiện các tiêu chí môi trường chưa nhiều.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hơn việc thực hiện tiêu chí môi trường, thời gian tiếp theo cần đẩy mạnh tuyên truyền tổ chức các phong trào bảo vệ môi trường, tập trung vào chủ đề về chống rác thải nhựa, phân loại và xử lý rác tại nguồn, phát triển phong trào quần chúng bảo vệ môi trường, tuyên truyền bảo vệ môi trường trong khu dân cư, khu chợ... đặc biệt là các xã vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…
Hi Hữu
Theo