(Xây dựng) - Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 520/QĐ-TTg công nhận huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2019. Đây là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được công nhận đạt chuẩn huyện Nông thôn mới.
Cụm công nghiệp làng nghề Cam An được xây dựng từ nguồn kinh phí xây dựng Nông thôn mới. |
Phải khẳng định rằng, sau gần 9 năm (2011-2019) thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt của huyện Cam Lộ được chỉnh trang rõ rệt. Trong đó, công tác quy hoạch đóng một vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên một diện mạo mới từ việc đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện bán trung du này.
Ông Ngô Quang Chiến - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ quả quyết: Công tác quy hoạch có một vị trí và vai trò rất quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới, vì thế ngay từ khi bắt tay vào xây dựng huyện Nông thôn mới, UBND huyện Cam Lộ chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, lập đồ án quy hoạch chung phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Ban Chỉ đạo huyện đã tập trung chỉ đạo Ban Chỉ đạo các xã lựa chọn tư vấn đủ năng lực, đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập đồ án quy hoạch, đến cuối năm 2012, các đồ án quy hoạch Nông thôn mới các xã được UBND huyện phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo UBND thị trấn Cam lộ lập đồ án Quy hoạch và điều chỉnh chung thị trấn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030 nhằm từng bước đô thị hóa trung tâm huyện lỵ theo hướng văn minh hiện đại.
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tập trung quản lý tốt quy hoạch, chú trọng việc rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là quy hoạch sử dụng đất và nghiêm túc thực hiện quy định quản lý quy hoạch, công khai quy hoạch, hoàn thành cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch. Qua theo dõi chỉ đạo giám sát, đến nay 100% số xã, thị trấn đều thực hiện đầy đủ các quy định theo pháp luật; 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 01 (quy hoạch) theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg.
Trên cơ sở công tác quy hoạch được triển khai sát với thực tế, huyện đã thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đồng bộ và hiệu quả. Trong đó có mạng lưới giao thông, các đường trục xã đến trung tâm huyện, đường liên xã: Tổng chiều dài các tuyến 124,8km, năm 2011 nhựa hóa 59,7/124,8km đạt 47,8%, năm 2019 nhựa hóa 124,8/124,8km đạt 100%, tăng 61,5km, mặt đường rộng 3m, chiều rộng đường trên 6m. Cùng với đó, người dân đã tự giác hiến đất, hiến cây mở rộng lòng, lề đường, đóng góp tiền, ngày công để làm các tuyến đường trục thôn, trục, ngõ xóm với tổngchiều dài các tuyến 264,8km (160,1km là đường trục thôn, 104,7km đường ngõ, xóm). Đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa, nhựa hóa 136,8/160,1km đường trục thôn đạt 85,5%, tăng 57,3km so với 2011; kết cấu mặt đường bê tông xi măng, M250, dày 16-18 cm; mặt đường Bm hơn 3m; chiều rộng nền đường 4m; bê tông hóa, cứng hóa 100% các tuyến đường ngõ, xóm tăng 54,9km so với 2011. Hệ thống giao thông đường nội đồng, đến nay, toàn huyện đã bê tông hóa, cứng hóa 161,0/179,5km đạt 89,7%, tăng 129,9km so với năm 2011.
Từ năm 2011 đến nay, hệ thống thủy lợi tại các xã đã được đầu tư kiên cố hóa. 131,4/150,2km kênh mương đạt tỷ lệ 87,5%, tăng 72 km so với năm 2011, cơ bản đáp ứng chủ động, kịp thời tưới cho diện tích sản xuất góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu các rủi ro thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hệ thống lưới điện ở các xã, thị trấn được thiết kế xây dựng đảm bảo đạt thông số kỹ thuật, an toàn điện theo Tiêu chí 4.1 tại Quyết định số 4293/QĐ-BCT ngày 28/10/2016 của Bộ Công Thương về Phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Riêng hệ thống trường học, toàn huyện Cam Lộ có 24 trường học (có 11 trường Mầm non, 5 trường Tiểu học, 6 trường Tiểu học và trung học cơ sở, 2 trường trung học cơ sở). Các trường trên địa bàn huyện có vị trí địa lý phù hợp với hiện trạng phân bố dân cư, khuôn viên diện tích đảm bảo theo yêu cầu trường học đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, có đủ số phòng học, phòng học bộ môn, phòng chức năng, có khu sân chơi sạch, có cây xanh bóng mát, có nhà vệ sinh bố trí riêng cho giáo viên và học sinh đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn...
Đến Cam Lộ vào những ngày này chúng tôi như được chia sẻ niềm vui cùng người dân nơi đây. Anh Đặng Duy Hoàn ở xã Thanh An (huyện cam Lộ), nói trong sự phấn khởi: Nhờ công tác quy hoạch phù hợp, cùng với việc đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình Nông thôn mới, Cụm công nghiệp làng nghề Cam An đã giải tỏa sự ô nhiêm môi trường lâu nay ở làng bún Cẩm Thạch chúng tôi. Không những thế, với dự án mới này chắc chắn thời gian tới kinh tế các làng nghề ở xã Thanh An sẽ phát triển tốt hơn nữa.
Hữu Tiến
Theo