(Xây dựng) - “Một bản quy hoạch tốt sẽ là nền tảng là kim chỉ nam cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trong tương lai…”, ông Lê Quang Tùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã khẳng định tại Hội nghị Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 diễn ra vào tháng 3/2023.
Một góc Đông Hà - thành phố tỉnh lỵ Quảng Trị. |
Thực tiễn cho thấy, muốn phát triển nhanh, bền vững phải chọn con đường đi đúng, xác định được cách thức, nguồn lực, động lực và thời gian để đến đích. Chính vì vậy, một bản quy hoạch tốt sẽ giúp có được con đường đi tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất để đạt được các mục tiêu phát triển. Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác.
Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh; chỉ đạo UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các đơn vị tư vấn khẩn trương nghiên cứu xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến từ giai đoạn đầu kỳ đến giữa kỳ, cuối kỳ; chỉ đạo cụ thể các nội dung liên quan đến định hướng phát triển của tỉnh và các nội dung cụ thể trong dự thảo đề án quy hoạch…
Theo đó, quan điểm định hướng quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đảm bảo thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Phát triển tỉnh Quảng Trị theo hướng xanh và bền vững, bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, chủ động thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để có cơ chế, chính sách khai thác có hiệu quả sớm nhất thời cơ và lợi thế trong kỳ quy hoạch; đảm bảo đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với Lào. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, đồng bộ.
Ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn, trọng tâm là các công trình, lĩnh vực kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm phát huy hiệu quả kinh tế và quay vòng vốn nhanh. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu GRDP. Nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành Công nghiệp, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả, bền vững. Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung hỗ trợ mọi mặt (thủ tục đầu tư, đất đai, hạ tầng, xúc tiến việc làm, chính sách thuế...) để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; đặc biệt là các lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp chế biến… ưu tiên các dự án chế biến sâu, sản phẩm nông sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung, đặc biệt là các dự án chăn nuôi quy mô lớn.
Quan điểm về thúc đẩy liên kết vùng: Trong quan điểm chỉ đạo về quy hoạch phát triển vùng phải quán triệt tư tưởng ngành nào, lĩnh vực nào ở địa phương nào có lợi thế nhất, có điều kiện nguồn lực tốt nhất thì phân công cho địa phương đó đảm nhận. Dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh Quảng Trị trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để phát huy tiềm năng của tỉnh, đặc biệt là về kinh tế biển, năng lượng tái tạo và dịch vụ - logistics trên tuyến hành lang Đông – Tây, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên ngoài cũng như phát huy nội lực để nâng cao tốc độ tăng trưởng. Liên kết phát triển trong vùng (huyện, thị xã, thành phố) tạo sự phân công hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh nhằm phát huy có hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao đi kèm với chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cho từng địa phương.
Từ định hướng đó, mục tiêu phát triển kinh tế của Quảng Trị đến năm 2030 là: Nền kinh tế phát triển hài hòa giữa bốn mục tiêu: Kinh tế - môi trường – an ninh quốc phòng – hợp tác khu vực, quốc tế. Chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu. Cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ. Một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp (kinh tế công nghiệp - dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế năng lượng sạch và năng lượng tái tạo) của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phấn đấu đến năm 2030, Quảng Trị nằm trong vị trí 30/63 tỉnh/thành đứng đầu của cả nước về tốc độ tăng trưởng và thu nhập bình quân theo đầu người để trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước.
Tập trung khai thác các lợi thế của tỉnh trên tuyến hành lang hạ tầng theo hướng Bắc – Nam, hành lang Đông - Tây và khai thác hợp lý dải không gian ven biển. Trong giai đoạn 2021 - 2030, tập trung quy hoạch và đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu Lao Bảo – Đensavan, hai hành lang Lao Bảo – Đông Hà và La Lay - Mỹ Thuỷ để phát triển dịch vụ logistics và trở thành trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkong (GMS).
Ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào tất cả các ngành, lĩnh vực để nhanh chóng số hóa nền kinh tế cũng như rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh Quảng Trị, hướng tới mục tiêu cao nhất và cuối cùng là cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân…
Hữu Tiến
Theo