(Xây dựng) – Khu phố Khe Lấp, thị xã Đông Hà nay được sáp nhập vào khu phố 1, phường 3 (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Nhưng có một nghịch lý, các hộ gia đình nơi đây đã định cư gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Một góc Khe Lấp, thành phố Đông Hà. |
Sau ngày đất nước được thống nhất, năm 1976 thực hiện chủ trương Nhà nước về di dân xây dựng vùng kinh tế mới, đã có 52 hộ gia đình ở phường 3, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã tình nguyện lên Khe Lấp (một vùng đồi thuộc miền Tây của thành phố) để khai hoang, tăng gia sản xuất làm kinh tế. Trải qua bao thăng trầm, với bao gian truân, có một số hộ gia đình không vượt qua được khó khăn phải rời Khe Lấp trở về nơi ở cũ hoặc đi làm ăn sinh sống nơi khác, 14 hộ còn lại bám trụ cho đến hôm nay.
Về sau, số hộ gia đình ở khu dân cư Khe Lấp tịnh tiến tăng, trong đó bao gồm số hộ đi theo chủ trương di dân, số hộ gia đình công nhân của lâm trường đường 9 (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp đường 9) làm nhà định cư tại Khe Lấp. Cùng với đó, các thế con cháu của họ lớn lập gia đình… Cho đến nay, khu dân cư Khe Lấp có hơn 40 hộ gia đình.
Từ khi có dân cư đến sinh sống, khu dân cư Khe Lấp được công nhận là đơn vị hành chính, ban đầu là khu phố Khe Lấp thuộc phường 3, thành phố Đông Hà. Về sau, khu phố Khe Lấp được sáp nhập vào với khu phố 1, phường 3, thành phố Đông Hà. Đồng thời, người dân ở đây cũng thành lập làng Khe Lấp theo tập tục.
Trên thực tế, số hộ đến làm nhà sinh sống ở Khe Lấp đầu tiên cách đây gần 50 năm, số hộ đến muộn cũng hơn 10 năm nay. Theo đó, các công trình hạ tầng đã được Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư xây dựng như: Điện, đường, nhà văn hóa đa năng dùng để sinh hoạt cộng đồng, nhà mẫu giáo, đình làng Khe Lấp… Cùng với đó, hơn 40 ngôi nhà của người dân đã được xây dựng kiên cố, bán kiên cố đã được cất dựng lên ở vùng đồi Khe Lấp trong hàng chục năm nay, gần đây có một số hộ dân đã đầu tư làm nhà vườn sinh thái…
Ông Nguyễn Văn Hồng – Trưởng làng Khe Lấp chia sẻ: “Tôi cũng như bà con Khe Lấp rất vui mừng và phấn khởi, khi vào ngày 4/5/2023, đoàn lãnh đạo Thành ủy Đông Hà đến thăm Khe Lấp, thấy Khe Lấp đang có bước phát triển, lãnh đạo Thành ủy Đông Hà đã động viên người dân và mong muốn Khe Lấp ngoài phát triển kinh tế bằng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thì đây còn là nơi để phát triển khu du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn để thu hút du khách thập phương…”.
Nhà đa năng Khe Lấp, thành phố Đông Hà. |
Từ tháng 5-10/2023, người dân Khe Lấp đã gửi đơn kiến nghị nhiều lần đến chính quyền thành phố Đông Hà và các ban, ngành liên quan, về việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, UBND thành phố Đông Hà đã có các văn bản về việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân tại khu phố Khe Lấp, phường 3.
Các văn bản của UBND thành phố Đông Hà đều thể hiện rõ sự chia sẻ với người dân Khe Lấp, đơn cử như Văn bản số 2281/UBND-PTNMT ngày 12/10/2023 của UBND thành phố Đông Hà về việc xử lý đơn kiến nghị của công dân, có đoạn nêu rõ: “Nội dung kiến nghị của hộ dân sống tại Khe Lấp là chính đáng; tuy nhiên, theo quy hoạch phân khu của phường 3, phần lớn diện tích đất tại khu vực Khe Lấp được quy hoạch là đất rừng sản xuất.
Hiện nay, quy hoạch chung của thành phố Đông Hà đến năm 2045 đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 15/6/2023 và UBND thành phố đang chỉ đạo triển khai điều chỉnh quy hoạch phân khu cho các phường. Để có cơ sở giải quyết kiến nghị của công dân, giao Phòng Quản lý đô thị trong quá trình tham mưu điều chỉnh quy hoạch phân khu phường 3, cần phối hợp chặt chẽ với UBND phường 3, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực để xem xét điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định… Trên cơ sở quyết định điều chỉnh quy hoạch phân khu phường 3, giao Phòng Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án tham mưu UBND thành phố xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân theo đúng quy định”.
Người dân Khe Lấp nhiều lần làm đơn kiến nghị về việc cấp sổ đỏ. |
Theo nội dung các văn bản giải quyết kiến nghị về ý kiến người dân Khe Lấp của UBND thành phố Đông Hà, việc lâu nay chưa cấp được giấy quyền sử dụng đất cho người dân Khe Lấp là do vướng đến quy hoạch phân khu phường 3. Như vậy, việc này đã hoàn toàn đi ngược lại với thực tiễn, bởi năm 2019, ông Phạm Quang Đạt và vợ là Nguyễn Thị Loan ở Khe Lấp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chuyển từ đất rừng sang đất ở). Hiện tại, thửa đất của ông Đạt đã được lần lượt chuyển nhượng từ người này qua người khác.
Qua sự việc này, người dân Khe lấp thắc mắc rằng, tại sao hộ ông Đạt được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà họ lại không? Đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm và cần câu trả lời xác đáng từ chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đạt.
Có thể nói, vùng Khe Lấp mang tính lịch sử và đặc thù riêng, mà cụ thể là khi người dân đến đây phát triển trồng rừng, ban đầu họ chỉ làm nhà tạm, hay lán trại để tiện sản xuất, bảo vệ rừng mà họ đang canh tác, về sau, họ đã cơi nới, xây nhà ở. Và lúc bấy giờ, họ chỉ là những người lao động chân chất, am hiểu pháp luật hạn chế nên họ chỉ biết muốn an cư thì phải xây nhà, bởi họ còn sinh con và lo cuộc sống cho con cái về lâu về dài.
Trong khi đó, chính quyền địa phương sở tại không những không có động thái mà còn công nhận đơn vị hành chính đối với Khe Lấp, đầu tư xây dựng hạ tầng công cộng phục vụ dân sinh nơi đây. Qua đó cho thấy, công tác quản lý đất đai và công tác quản lý về trật tự xây dựng của chính quyền địa phương, nhất là những thời kỳ trước còn tắc trách, quan liêu, thiếu trách nhiệm…
Người dân Khe Lấp đang kỳ vọng về sự khẳng định của UBND thành phố Đông Hà ngay trong văn bản giải quyết đơn kiến nghị của người dân: “Nội dung kiến nghị của hộ dân sống tại Khe Lấp là chính đáng…” như đã đề cập trên. Từ đó, họ mong muốn sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để an tâm sinh sống trên mảnh đất, nơi mà đã đổ biết bao mồ hôi, nước mắt vun xới, xây đắp mang lại màu xanh cho miền Tây thành phố Đông Hà.
Hữu Tiến
Theo