(Xây dựng) – Hàng năm, cứ trước mùa mưa lũ, công tác đảm bảo an toàn cho đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn luôn là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng của địa phương cũng như các ngành liên quan.
Hồ thủy lợi La Ngà, huyện Vĩnh Linh. |
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 125 công trình đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó đập, hồ chứa xung yếu có 4 công trình là hồ Nghĩa Hy, hồ Phú Dụng, hồ Khe Mương và hồ Tân Xuyên.
Mới đây, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã có chuyến kiểm tra công tác an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2023. Kết quả kiểm tra đã đánh giá tổng hợp chỉ rõ: Trên địa bàn toàn tỉnh có hàng chục công trình hồ, đập bị thấm và biến dạng; nhiều hồ bị xuống cấp và hư hỏng, trong đó đáng lưu ý có 4 công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ, đó là công trình hồ Nghĩa Hy, hồ Phú Dụng, hồ Khe Mương và hồ Tân Xuyên. Kèm theo đó là hàng chục tràn xả lũ chưa được gia cố hoặc bị nứt; thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng bị xói lở. Trong đó, đáng chú ý là đập tràn công trình đại nông Nam Thạch Hãn bị hư hỏng nặng, cụ thể là phao cao su bờ Bắc bị rách, hỏng; thân tràn và tiêu năng bị xói lở...
Để ứng phó với mùa mưa, lũ, đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra, hiện tại ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị cũng như các địa phương đã xây dựng và triển khai phương án bảo vệ công trình thủy lợi. Cụ thể, đối với 17/125 công trình do Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi quản lý hiện tại đã có phương án bảo vệ công trình được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt; các đập, hồ chứa còn lại do địa phương quản lý được lồng ghép vào phương án phòng chống thiên tai của các xã hàng năm…
Tuy nhiên, ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: Để công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chức thủy lợi trước mùa lũ năm 2023 và về lâu dài, thì cần giải quyết, xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa, đó là: Để thực hiện các nội dung này đòi hỏi phải có nguồn kinh phí thực hiện, trong khi nguồn phân bổ hàng năm không có, các chủ công trình hoạt động chủ yếu từ nguồn hỗ trợ giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi. Nguồn hỗ trợ này chỉ đủ chi phí quản lý, vận hành, không đủ chi phí để sửa chữa thường xuyên hàng năm, nên rất khó khăn trong việc vận dụng để thực hiện các nội dung về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Đối với cấp phép các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi: Hiện nay, việc thực hiện cấp giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nói chung và đập, hồ chứa thủy lợi nói riêng chỉ được phân cấp đến UBND cấp tỉnh. Việc tập trung cấp phép tại một đầu mối cấp tỉnh là quá lớn, sẽ ảnh hưởng đến thời gian giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định.
Riêng về phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp: Nghị định chưa có hướng dẫn chi tiết các tình huống khẩn cấp, mực nước hồ tương ứng với các cấp báo động của từng loại hồ chứa, do đó, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các công trình do địa phương quản lý đa số đã được xây dựng từ lâu, hồ sơ lưu trữ gần như không còn. Mặt khác, nguồn kinh phí phân bổ hàng năm quá hạn hẹp (phần lớn không có nguồn thu), nên các địa phương không đủ kinh phí để thực hiện các công tác như lập quy trình vận hành, cắm mốc chỉ giới, kiểm định an toàn hồ chứa nước... dẫn đến việc chưa đáp ứng được các yêu cầu theo quy định.
Một số nội dung như: Xây dựng quy trình vận hành, lập phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, quy trình bảo trì đã có hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, các địa phương chưa triển khai thực hiện đến các tổ chức thủy lợi cơ sở do lực lượng quản lý ở các tổ chức thủy lợi cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, công tác quản lý Nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước chưa được quan tâm đúng mức.
Các công trình theo quy định được phân cấp cho các địa phương quản lý, tuy nhiên một số địa phương không phân cấp cho các tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, lực lượng quản lý ở các tổ chức thủy lợi cơ sở thường xuyên thay đổi. Do đó, việc quản lý, khai thác công trình, đặc biệt là các hồ chứa còn nhiều bất cập.
Cần có chính sách an toàn về hồ chứa để đầu tư nâng cấp và sửa chữa các công trình đầu mối các hồ chứa lớn và kiên cố các hồ chứa nhỏ, nhất là 34 hồ chứa được xây đắp bằng thủ công, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị Cục Thủy lợi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho sửa chữa và nâng cấp kịp thời để đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa lũ năm 2023 và các năm tiếp theo...
Hữu Tiến
Theo