(Xây dựng) - Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh có văn bản trưng cầu ý kiến các Sở, ngành địa phương về việc đầu tư xây dựng trường sở cho ngành Giáo dục. Trong đó, trường THPT Hải Đông ở huyện Tiên Yên là một huyện đang thiếu học trò nhưng thừa phòng học khiến dư luận có ý kiến khác nhau.
Huyện Tiên Yên bám trục đường Quốc lộ 18 khoảng 12km có 5 trường học cấp THPT, nhưng hàng năm chỉ có từ 500-600 em theo học cấp học này tại địa phương. |
Cụ thể, Văn bản số 4406/KHĐT-VX của Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Sở, ngành, các huyện tham gia ý kiến về chủ trương dùng ngân sách đầu tư công trung hạn (2021-2025) cho 5 dự án xây dựng trường sở gồm: Trường THCS và THPT Hoành Mô, trường THPT Bình Liêu (huyện Bình Liêu); Nhà đa năng, nhà ở nội trú, công trình vệ sinh công cộng, các hạng mục phụ trợ cho trường THPT Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); Nhà học bộ môn, nhà đa năng, các hạng mục phụ trợ cho trường THPT Hải Đông (Tiên Yên); Nhà học bộ môn, nhà đa năng, các hạng mục phụ trợ cho trường THPT Quan Lạn (Vân Đồn).
Các công trình đầu tư xây dựng trong thời điểm khó khăn, cả tỉnh dồn sức phòng chống dịch Covid-19, kinh tế phải căn cơ, mà Quảng Ninh vẫn quyết tâm chi ngân sách đầu tư cho sự nghiệp “trồng người” ở các xã vùng cao, biên giới, hải đảo, được nhân dân và dư luận hoan nghênh.
Riêng đầu tư xây dựng Nhà học bộ môn, phòng học mới cho trường THPT Hải Đông (Tiên Yên), dư luận trăn trở, bởi cùng thời điểm khó khăn này, tỉnh Quảng Ninh lại đang tiến hành đầu tư xây dựng Trung tâm nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cho Tiên Yên, trong khi huyện đang thiếu học trò mà lại thừa phòng học cho cấp học này.
Huyện Tiên Yên thiếu trò, thừa phòng học cấp THPT đã được đề cập nhiều: Nằm trên trục đường Quốc lộ 18, khoảng 12km có 5 cơ sở giáo dục có cấp trung học phổ thông gồm: Trường THPT Tiên Yên, trường THPT Nguyễn Trãi, trường THPT Hải Đông, trường Phổ thông cơ sở và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú, Trung tâm nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Nguồn đầu vào, năm học 2021-2022 số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 ở Tiên Yên khoảng trên dưới 700 em. Học sinh tốt nghiệp giỏi được chuyển về trường chuyên của tỉnh, phần di cư, phần thôi học, số theo học tiếp cấp Trung học phổ thông tại địa phương còn khoảng trên 500 em, trong khi huyện có 5 trường cấp học này như trên.
Vì sao huyện Tiên Yên thiếu trò - thừa phòng học? Ngày 17/1/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo có Tờ trình số 205/TTr-SGDĐT trình UBND tỉnh phương án thuê cơ sở vật chất của trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi phục vụ trường Trung học phổ thông Tiên Yên đến tổ chức giảng dạy học tập. Theo đó, ngày 25/1/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 605/UBND-GD đồng ý với tờ trình nói trên của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Thanh, phụ trách cơ sở vật chất của trường trung học phổ thông Nguyễn Trãi đưa ra tập hồ sơ gồm trên 40 văn bản các cấp chỉ đạo nhà trường xây dựng thêm 20 phòng học cao tầng tiện nghi, cùng các hạng mục xây dựng trường sở đi kèm, 8 phòng học chức năng và khu nhà hiệu bộ, nhà để xe học sinh và giáo viên, sân chơi bãi tập, khu ký túc xá học sinh gồm 25 phòng khép kín, 18 phòng nhà ở công vụ cho giáo viên. Giá đầu tư thời điểm đó là 24 tỷ đồng và chi gần 10 tỷ đồng mua sắm 6 xe ôtô đưa đón học sinh đến lớp... sẵn sàng đón trường THPT Tiên Yên đến thuê để tổ chức giảng dạy. Mục đích để trường THPT Tiên Yên dành 7.200m2 đất của mình cho trường THCS Tiên Yên hợp thửa thành 10.400m2 để quy hoạch xây lại khang trang hơn.
Trường THPT Nguyễn Trãi đang “ế” 20 phòng học cao tầng tiện nghi, cùng các hạng mục xây dựng trường sở đi kèm. |
Ngày 8/3/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 896/QĐ-UBND thuê 4.797m2 công trình xây dựng hoàn chỉnh của trường THPT Nguyễn Trãi, giao cho trường THPT Tiên Yên thuê có thời hạn, giá thuê ổn định trong 10 năm đầu là 2,281 tỷ đồng/năm. Chủ đầu tư còn có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng công trình xây dựng... trong khi trường THPT Tiên Yên mỗi năm ngân sách Nhà nước phải cấp trên dưới 1,5 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ.
Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh là đúng đắn, không chỉ có giá trị quy hoạch sử dụng quỹ đất hợp lý cho nhà trường ở huyện Tiên Yên, mà còn là bài toán kinh tế phù hợp với phương châm huy động các nguồn lực ngoài ngân sách xây dựng trường sở. Nhưng Quyết định số 896/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh đến nay vẫn chưa thực hiện được, dẫn đến tình trạng Tiên Yên “thừa trường - thiếu trò”. Vấn đề này huyện Tiên Yên và Sở Giáo dục Đào tạo 3 năm nay nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ mà chưa xong. Nay lại nghe tin tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đầu tư xây dựng trường sở có cấp học này cho huyện Tiên Yên thì dư luận băn khoăn.
Một vị giáo chức cho rằng: Xây thêm trường sở để đón bắt nhu cầu phát triển giáo dục là cần thiết; và tiền đầu tư xây dựng Trung tâm nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cho huyện Tiên Yên bằng ngân sách sự nghiệp do Trung ương cấp (xin được cái gì là quý cái ấy), không phải dùng ngân sách địa phương, khiến dư luận càng giật mình. “Ếch nào chẳng là thịt” ngân sách của cấp nào cũng hình thành từ thuế của người lao động, sao lại có suy nghĩ như vậy.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh trưng cầu ý kiến, sử dụng ngân sách trung hạn mở rộng trường Trung học phổ thông Hải Đông, huyện Tiên Yên. |
Quyết định số 896/QĐ-UBND, ngày 8/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh chưa bị bãi bỏ, huyện Tiên Yên còn đang “thừa trường - thiếu trò”, nay tỉnh lại rục rịch đầu tư tiếp cho địa phương xây dựng trường sở cho cấp trung học phổ thông thì dư luận có ý kiến trái chiều.
Thiết nghĩ, Quảng Ninh đồng thời với việc đầu tư xây dựng trường sở cho huyện Tiên Yên, đáp ứng với hoàn cảnh mới vừa được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; và trong hành trình nâng cấp đô thị, tái lập thị xã cần giải quyết tốt những tồn đọng sự thừa phòng học, lãng phí tài sản xã hội, gây ấn tượng xấu về thu hút nguồn lực ngoài ngân sách vào các hoạt động công ích, văn hóa xã hội tại địa phương.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Vũ Phong Cầm
Theo