(Xây dựng) - Sau khi Bộ Giao thông vận tải có thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên đề xuất mở rộng thí điểm này nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu san lấp một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Ngày 20/3/2024, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh vừa chủ trì tổ chức hội nghị nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường trên địa bàn tỉnh, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về công nghệ và môi trường của Bộ Giao thông vận tải. |
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để tổ chức triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường, nhưng cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh vừa chủ trì tổ chức hội nghị nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành đến từ Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) đã thẳng thắn trao đổi về những kinh nghiệm trong thực hiện thí điểm dùng cát biển làm nền đường tại đoạn tuyến gần 300m hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau qua Bạc Liêu. Trước đó, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa báo cáo Thủ tướng kết quả thí điểm và đánh giá việc sử dụng cát biển làm đường cao tốc cũng như hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, hai bộ đều đồng quan điểm mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng cát biển làm các công trình giao thông.
Dự án đường ven sông đoạn từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với Đường tỉnh 338, khó về đích đúng hẹn, một phần chủ yếu do nguồn vật liệu đất đắp thay thế khan hiếm đã khiến tiến độ các hạng mục gặp rất nhiều khó khăn. |
Theo đó, các chuyên gia đều đánh giá tỉnh Quảng Ninh là địa phương có nhiều điều kiện để mở rộng thí điểm này khi có nguồn cát biển dồi dào, các dự án triển khai có nhiều yếu tố tương đồng. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Ninh căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để tổ chức triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án xây dựng công trình giao thông có điều kiện tự nhiên, môi trường tương tự như Dự án thí điểm theo đúng văn bản của Bộ Giao thông Vận tải. Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị cần nghiên cứu các khuyến nghị của Hội đồng khoa học cấp Bộ; đồng thời có các giải pháp quan trắc môi trường, tổ chức giám sát, đánh giá mức độ tác động trong quá trình thực hiện; đảm bảo tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng.
Tại hội nghị, qua thảo luận trao đổi cùng các chuyên gia của Bộ Giao thông vận tải, các sở ngành tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị được giao chủ đầu tư dự án thống nhất: Trước mắt sẽ mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp nền đường tại một số dự án có một số yếu tố tương đồng về điều kiện tự nhiên, môi trường với dự án đã thí điểm thành công. Cụ thể là một số dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang triển khai như: Dự án đường ven sông đoạn từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với Đường tỉnh 338; đường ven sông đoạn từ Đường tỉnh 338 đến Cổng tỉnh. Đồng thời sẽ có khảo sát nghiên cứu đối với từng mỏ cát biển đang hoạt động và các đoạn tuyến cụ thể của từng dự án; tổng hợp kết quả báo cáo với UBND tỉnh trong cuối tháng 3/2024.
Hiện, các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang rất thiếu nguồn vật liệu san lấp, dẫn đến tiến độ thi công và giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều dự án hạ tầng giao thông đang bị chậm so với kế hoạch đặt ra. Đến ngày 15/3/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh thấp, mới chỉ đạt 5,2% kế hoạch năm, trong đó có nguyên nhân phần lớn các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn vật liệu san lấp là cát và đất, nhất là nguồn vật liệu gia cố nền móng.
Vì vậy, nếu việc thí điểm cát biển hoàn thành và khả quan, nguồn vật liệu xây dựng đắp nền đường các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện đang còn thiếu sẽ sớm được tháo gỡ nhanh chóng để dự án hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Hoàng My
Theo