(Xây dựng) – Để kịp thời khắc phục công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại địa phương trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi đã ban hành văn bản về việc nâng cao chất lượng công tác này trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Quảng Ngãi hiện có 140 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao |
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 140 sản phẩm đạt OCOP 3 - 4 sao (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 131 sản phẩm đạt 3 sao). Đến nay có 12/13 địa phương có sản phẩm đạt OCOP (riêng huyện Sơn Tây là địa phương chưa có sản phẩm OCOP). Đã có 11 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (trong đó Nhà nước hỗ trợ 6 điểm; 5 điểm xã hội hóa).
Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm và trên cơ sở hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, một số địa phương đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023.Tuy nhiên, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại cấp huyện vẫn còn một số tồn tại hạn chế.
Do đó, để kịp thời khắc phục công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại địa phương trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản số 3569/SNNPTNT-NTM ngày 28/8/2023 về việc nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là yêu cầu được đặt ra |
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại địa phương theo đúng quy trình được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đồng thời, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quyết định cho phù hợp (Hội đồng OCOP cấp huyện đảm bảo đủ 11 người); kết quả đánh giá, phận hạng OCOP cấp huyện phải đảm bảo thực chất, tránh tính trạng chạy theo thành tích, số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP gây ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi.
Kết quả đánh giá, phận hạng OCOP cấp huyện phải đảm bảo thực chất, tránh tính trạng chạy theo thành tích |
Ngoài ra, các địa phương cần phải lựa chọn các tổ chức, cá nhân tư vấn Chương trình OCOP có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn Chương trình OCOP, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển được sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tượng được tư vấn (về tổ chức: Có tư cách pháp nhân, có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo nghề Chương trình OCOP; có kinh nghiệm, năng lực trong tư vấn và hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm; đối với cá nhân: Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thuộc lĩnh vực tư vấn, đào tạo nghề và am hiểu về Chương trình OCOP).
Cũng như tăng cường công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam đối với sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh và đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi giấy chứng nhận của các sản phẩm ở địa phương do chủ thể không sản xuất hoặc sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn cũng như không có tiềm năng phát triển.
Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hồ Trọng Phương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được thực hiện một cách thực chất, đi vào chiều sâu sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được sự tin tưởng của người tiêu dùng. “Có như vậy thì sản phẩm mới thực sự được người tiêu dùng tin yêu, lựa chọn”, ông Phương nói.
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. |
Lê Danh
Theo