(Xây dựng) – Có 16 tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong đó chính quyền cấp huyện của 13 địa phương và các lực lượng vũ trang trên địa bàn sẽ thực hiện nhiệm vụ thu tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng để đóng góp vào Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2024.
Tổng số thu Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là hơn 20 tỷ đồng. |
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền vừa ký Quyết định số 666/QĐ-UBND giao chỉ tiêu kế hoạch thu Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2024 cho các địa phương, đơn vị trên địa bàn. Kế hoạch thu được ban hành dựa trên đề nghị của UBND các huyện, thị xã và thành phố, cùng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Cụ thể, địa phương có số thu lớn nhất là thành phố Quảng Ngãi với gần 11 tỷ đồng, tiếp sau là huyện Bình Sơn với hơn 3,7 tỷ đồng, thị xã Đức Phổ hơn 1,1 tỷ đồng… thấp nhất là huyện Lý Sơn với 35 triệu đồng. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thực hiện nghĩa vụ hơn 150 triệu đồng. Các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp Quỹ phòng chống thiên tai là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan tổ chức; các tổ chức kinh tế trong nước và ngoài nước trên địa bàn; lực lượng vũ trang hưởng lương.
Quỹ phòng, chống thiên tai được chi cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. |
Trong đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai đối với người lao động ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thu Quỹ phòng, chống thiên tai đối với cán bộ, công chức cấp xã và người lao động khác trên địa bàn.
Cùng với đó, cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh có trách nhiệm thu Quỹ của lực lượng vũ trang (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh) và thông báo Kế hoạch thu Quỹ năm 2024 cho các địa phương, đơn vị liên quan.
Thành phố Quảng Ngãi là địa phương có số thu lớn nhất. |
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, lực lượng vũ trang, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các tổ chức Chính trị - Xã hội, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai đúng quy định.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện theo dõi tình hình nộp Quỹ của các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh, đôn đốc và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nộp Quỹ theo đúng quy định. Sở Nội vụ theo dõi báo cáo kết quả của Cơ quan quản lý Quỹ tỉnh về thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2024 trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, xem xét kết quả thi đua năm 2024 của các địa phương, đơn vị.
Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học; xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai. Theo Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh đến từ: Mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31 tháng 12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức. Đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp cho Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp hàng năm như sau: Cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động. Người lao động giao kết nhiều hợp đồng với nhiều doanh nghiệp chỉ phải đóng 01 lần theo 01 hợp đồng lao động có thời gian dài nhất. Người lao động khác, ngoài các đối tượng đã được quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều 12 Nghị định 78/2021/NĐ-CP, đóng góp 10.000 đồng/người/năm. Hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương và giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Thu lãi từ tài khoản tiền gửi. Các nguồn hợp pháp khác (nếu có). Tồn dư Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh cuối năm trước được chuyển sang năm sau. |
Lê Danh
Theo