(Xây dựng) – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam Nguyễn Thanh Tâm cho biết, sau 2 năm thi công (từ tháng 4/2022 đến nay), công trình cầu Thôn 3 thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An đã hoàn thành.
Các đại biểu cắt băng thông xe cầu Thôn 3. |
Chiều 26/4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ thông xe cầu Thôn 3, đây là cầu thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An, Quảng Nam.
Phát biểu tại Lễ thông xe, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, chủ đầu tư dự án cho biết, trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); và Ngày Quốc tế Lao động 1/5, hôm nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ thông xe công trình cầu Thôn 3.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng (thứ 2 từ trái qua) cùng các đại biểu nghe báo cáo về dự án. |
Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết, thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã nghiên cứu, đề xuất trong khuôn khổ Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Hội An, vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, nhà tài trợ đồng ý, dự án thành phần HA/W3: Nạo vét sông Cổ Cò được UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 3305/QĐ-UBND ngày 26/11/2020, có tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, từ vốn vay ADB và ngân sách tỉnh, trong đó có cầu Thôn 3.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam cho biết, với sự quyết tâm cao, dự án đã hoàn thành sau 2 năm thi công. |
Cầu Thôn 3 có quy mô: Cầu vòm 1 nhịp dài 99m có đường xe chạy dưới. Mặt cắt ngang 4 làn xe cơ giới và lề bộ hành khác mức 2 bên, tổng bề rộng cầu: Bc = 22,0m. Xây dựng cầu đi bộ dưới cầu để kết nối tuyến đường cảnh quang ven sông Cổ Cò. Cầu có hai vòm chủ nghiêng nhẹ hình chữ "V" với hình tượng cánh chim hạc bay lên mạnh mẽ hướng ra biển Đông, thanh thoát hiện đại.
“Với kiến trúc độc đáo, mới lạ, công trình là thách thức chuyên môn trong quá trình thiết kế kết cấu và lập dự toán (kéo dài thời gian gần 01 năm)”, ông Tâm nói.
Giám đốc Ban Giao thông Quảng Nam cho biết, sau 2 năm thi công, từ tháng 4/2022 đến nay công trình đã hoàn thành. Trong quá trình thi công công trình gặp không ít khó khăn như: Đại dịch Covid bùng phát, nhân công hạn chế; Vật tư, vật liệu xây dựng biến động tăng giá, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Ngoài ra, đây là một công trình có kiến trúc và kết cấu mới ở Việt Nam, vì vậy có không ít những thách thức đối với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, cơ quan thẩm định, các nhà thầu thi công xây dựng và tư vấn giám sát.
Cầu Thôn 3 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng, thuộc Dự án phát triển môi trường, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Hội An, Quảng Nam. |
“Với sự quyết tâm, nỗ lực và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự cố gắng của các bên tham gia thực hiện công trình đã vượt qua khó khăn thách thức, tập trung nguồn lực, tận dụng tối đa điều kiện thời tiết; áp dụng các giải pháp thi công tiên tiến nhất; hăng say làm việc “chỉ bàn làm, không bàn lui”, “vượt nắng, thắng mưa”, “không thua đại dịch”, thi công không kể ngày đêm, đến nay công trình đã hoàn thành, được kiểm định thử tải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Khẳng định công trình hoàn thành đảm bảo chất lượng theo yêu cầu hồ sơ thiết kế được duyệt, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, an toàn lao động tuyệt đối và được thông xe đưa vào sử dụng trong dịp lễ nhiều ý nghĩa ngày hôm nay”, ông Tâm nói.
Công trình cầu hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện tuyến đường Vành đai phía Bắc và kết nối hướng Đông – Tây của tỉnh, làm thay đổi bộ mặt thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu, gắn phát triển kinh tế trong môi trường bền vững; Thúc đẩy phát triển đô thị dọc sông Cổ Cò và khu vực lân cận.
Sau phần lễ, các đại biểu đã thực hiện nghi thức thông xe qua cầu. |
Đại diện chủ đầu tư cho biết, bên cạnh những nỗ lực của các đơn vị trực tiếp tham gia dự án và nhà tài trợ (Ngân hàng Phát triển Châu Á) còn có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và tạo điều kiện hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các Sở, ban, ngành của tỉnh; sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương trong công tác vận động và bồi thường, giải phóng mặt bằng; sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân trong vùng dự án, đã chịu ít nhiều những tổn hại, mất mát trong quá trình thi công.
Thanh Đức
Theo