(Xây dựng) – Hiện Quảng Bình có 150 đập, hồ chứa thủy lợi, 1 hồ thủy điện với 208 đập dâng và nhiều hệ thống, đê, kè thủy lợi khác. Tuy nhiên, hiện có đến hơn 56 công trình bị hư hỏng, nguy cơ sạt lở rất cao.
Áp lực nước làm rò rỉ thân đập bê tông tại công trình hồ chứa nước Cửa Nghè. |
Nhằm đảm bảo an toàn công trình thủy lợi sau mưa lũ để phát triển kinh tế dài hạn cho địa phương, không để xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã lên phương án khắc phục, sửa chữa một số hạng mục cần thiết.
Quảng Bình có 150 đập, hồ chứa thủy lợi, 1 hồ thủy điện với tổng dung tích khoảng 560 triệu m3 và 208 đập dâng cùng nhiều hệ thống, đê, kè thủy lợi khác. Tuy nhiên, hiện có đến hơn 56 công trình bị hư hỏng, nguy cơ sạt lở, vỡ đập rất lớn, đặc biệt là sau mưa lũ kéo dài tháng 10/2020 vừa qua.
Tại công trình hồ thủy lợi Cửa Nghè, xã Hạ Trạch (huyện Bố Trạch) được xây dựng từ những năm 1977, cùng với hồ Vực Tranh, công trình phục vụ tưới tiêu cho khoảng 600ha lúa. Năm 1985, hồ thủy lợi Cửa Nghè bị vỡ, sau đó được tu sửa tạm thời nhưng do thiếu kinh phí. Với thiết kế dung tích chứa đến 1,2 triệu m3 nhưng hiện công trình hồ thủy lợi Cửa Nghè vẫn không có tràn sự cố; cùng đó cũng thiếu hệ thống tường chắn sóng, chưa gia cố mặt đập, đặc biệt là cống lấy nước, phần tháp của cống lấy nước chưa có.
Hồ Cây Gạo, xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch) đang trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng, ông Phan Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Hòa Trạch thông tin, hồ Cây Gạo phục vụ tưới tiêu cho hơn 50ha lúa trên địa bàn xã Hòa Trạch và xã Tây Trạch, giảm ngập lụt cho vùng hạ du và cung cấp nước sinh hoạt cho 354 hộ dân. Hiện, hồ Cây Gạo đã xuống cấp, nhiều chỗ bị lún sụt, rò rỉ. Đợt mưa lũ tháng 10/2020, làm cống lấy nước không hoạt động được, thân hồ bị sạt trượt vùng hạ du.
Theo Chi nhánh Thủy nông Quảng Trạch, công trình thủy lợi này có diện tích lưu vực khoảng 110km2, dung tích hồ chứa đạt 52.800.000m3 nước với hệ thống kênh chính Bắc và kênh chính Nam có chiều dài hơn 40km đi qua 8 xã, phường của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Việc đảm bảo an toàn hồ đập trong diễn biến phức tạp của mưa bão là rất quan trọng để phát triển kinh tế dài hạn của cư dân.
Hồ chứa nước Vực Tròn dung tích chứa 52.800.000m3 sau mưa lũ. |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình, đa số công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều được xây dựng từ lâu nên đang trong tình trạng xuống cấp. Đợt mưa lũ vừa qua càng làm cho tình hình nghiêm trọng, nhiều nơi hệ thống thủy lợi hư hỏng nặng, không thể sửa chữa.
Như đoạn kè chống sạt lở bờ sông Kiến Giang, đoạn từ cầu Phong Xuân đi Hà Cạn, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy) được xây dựng từ năm 1999, có chiều dài 700m. Mưa lũ hàng năm đã làm chân kè bị xói sâu, một số đoạn hàng rào, sân, chân tường nhà dân xuất hiện vết nứt. Khi nước sông xuống thấp, nguy cơ gây sập và sạt trượt tuyến đường với 18 hộ dân sinh sống liền kề.
Ông Phạm Chính Lâm - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng ngành Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay: “Bên cạnh giải pháp phi công trình như trồng cây chắn sóng, tạo bãi hay kè chữ T, kè mỏ hàn, việc ứng dụng giải pháp công trình bê tông cốt thép nhằm phòng, chống sự xâm thực của mưa bão là biện pháp cấp thiết tại nhiều địa phương. Sau đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, nhiều công trình do ngành Nông nghiệp phụ trách bị hư hỏng, đang được tập trung tu sửa.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các tuyến kè biển như: Quảng Phúc, Thanh Trạch, Đức Trạch, Nhân Trạch, Quang Phú… trong mưa lũ hàng năm luôn bị sạt lở, xâm thực, mặc dù đã được làm kè bê tông.
Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết: Mưa lũ vừa qua đã khiến 87.076m đê, kè và 188.001m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 109.926m kênh mương và 262.677m3 đất đá, bê tông bị sạt trôi; 345 cống bị hư hại. Tổng thiệt hại ước tính gần 500 tỷ đồng.
Nhất Linh
Theo