(Xây dựng) - Trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt tại Quảng Bình, cũng như khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường, việc đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo từ đá thải mỏ của một số doanh nghiệp hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, cung cấp cho thị trường sản phẩm "vật liệu xây dựng xanh" và phù hợp với nhu cầu phát triển hiện nay.
Dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo tại mỏ đá Lèn Sầm, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. |
“Nhận thấy những bãi thải đất đá của ngành khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường có đến 42% tỷ lệ đá cát kết có thể thu hồi để tái chế thành vật liệu xây dựng, vật liệu san nền, từ năm 2016, tôi đã ấp ủ thực hiện làm cát nghiền nhân tạo. Thực tế trên thế giới, cát nhân tạo đã được sử dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao. Do đó, sau khi nghiên cứu tài liệu, tham khảo, học tập ở các địa phương trong nước như Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa đã sản xuất thành công cát nghiền nhân tạo, doanh nghiệp chúng tôi đã đầu tư nhập dây chuyền đưa về Quảng Bình sản xuất cát”. Đó là những chia sẻ của ông Hoàng Ngọc Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn (trụ sở tại Thành phố Đồng Hới).
Ở giai đoạn hiện nay, Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn đã đầu tư dây chuyền nghiền sàng, phân loại sản phẩm với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, công suất 25 tấn/giờ/dây chuyền. Giờ đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, từ những sản phẩm đá thải tưởng không còn tác dụng lại có thể sản xuất ra được vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn tỉnh đang ngày càng gia tăng.
Dẫn chúng tôi thăm quan khu vực chế biến cát nhân tạo, anh Nguyễn Văn Sỹ - Quản lý mỏ đá Lèn Sầm (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) của Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn cho hay: Đất đá thải được đổ vào máy cấp liệu rung, sau đó được tách ra ngoài theo băng chuyền về khu vực máy đập thô và tiếp tục được đưa vào máy kẹp hàm và máy nghiền phản kích. Sau công đoạn nghiền, đá sẽ được sàng phân loại theo các kích cỡ khác nhau, rồi chuyển qua máy nghiền cát. Quá trình này làm cho vật liệu va đập chuyển động tương hỗ với tốc độ cao, ma sát giữa các nguyên liệu tạo thành sản phẩm cát thô. Sản phẩm tạo ra là những hạt cát 0-4mm được cấp vào bể rửa cát để loại bỏ tạp chất. Lượng cát nghiền này chủ yếu được phục vụ cho việc thi công các công trình của Công ty đang nhận thầu, hạn chế áp lực về nguồn cát tự nhiên khai thác trên sông, suối.
Khu vực tập kết sản phẩm cát nghiền nhân tạo sau khi đã rửa loại bỏ tạp chất. |
Cùng đó, được sự hướng dẫn của các Sở, ngành liên quan, Công ty Hoàng Huy Toàn đã đưa cát nghiền đi giám định chất lượng. Đến nay, sản phẩm cát nghiền cho bê tông và vữa của đơn vị đã được Sở Xây dựng tỉnh Công bố hợp quy tại Thông báo số 432/TB-SXD ngày 13/02/2020 và Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho biết: Qua việc lấy mẫu thí nghiệm độc lập, các sản phẩm cát nghiền của Công ty Hoàng Huy Toàn hay Công ty Trường Thịnh, Công ty Sơn Hải đã đáp ứng các yêu cầu cho xây dựng, bao gồm: Cát cho bê tông, cát cho vữa xây và lớp bây nền đường. Theo các chuyên gia xây dựng, cát nhân tạo có những tính chất đặc biệt như: Hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Loại cát nhân tạo cũng cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Qua tìm hiểu, cho thấy đã có nhiều công trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị và hạ tầng giao thông đã được ứng dụng sản phẩm cát nghiền này, như tại gói thầu QB 10, QB 19 Xây lắp 4 tuyến bổ sung Nguyễn Trãi, Nguyễn Hữu Cảnh, Hữu Nghị, Tố Hữu thuộc Dự án hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông; thi công kè chống sạt tại Dự án đường nối Quốc lộ 1A đến Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; thi công rãnh thoát nước và vỉa hè đường du lịch Dinh Mười, huyện Quảng Ninh…
Cùng đó, hiện nay, tại tỉnh Quảng Bình, Bộ Giao thông Vận tải đang cho triển khai thi công các đoạn tuyến của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài hơn 126km.
Theo tính toán, 3 dự án thành phần đoạn cao tốc qua Quảng Bình cần khoảng 7,3 triệu m3 đất đắp, 0,5 triệu m3 cát; 2,7 triệu m3 đá xây; lượng đất đá dư thừa cần đổ thải khoảng 8,6 triệu m3. Hiện, vấn đề về cát san lấp và phục vụ thi công các hạng mục đang là nỗi lo thiếu hụt của nhiều đơn vị thi công, nếu chỉ tập trung vào nguồn cát tự nhiên.
Ông Nguyễn Xuân Tường - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lệ Thủy chia sẻ: Qua nắm bắt, việc ứng dụng cát nghiền nhân tạo vào công trình dân sinh và công trình giao thông, thủy lợi tại địa phương là đã có. Còn việc tiến tới để đưa loại vật liệu này vào các công trình lớn, trọng điểm thì phải được sự chấp thuận của Sở, ngành chuyên trách và chủ đầu tư. Do đó, việc ứng dụng phổ biến loại cát nghiền nhân tạo này vào san lấp và xây lắp cần được cấp có thẩm quyền quan tâm, hướng dẫn cụ thể.
Nhất Linh
Theo