(Xây dựng) - Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa) từng bước hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và giãn dân, đáp ứng mục tiêu hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão, là tiền đề để triển khai thực hiện nhiều đồ án quy hoạch khu tái định cư khác.
Chị Cao Thị Liệu (thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa) chia sẻ câu chuyện về tái định cư, thoát nghèo. |
Hơn 20 hộ dân về sinh sống
Tháng 10/2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa) với tổng mức đầu tư 26,5 tỷ đồng, do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư.
Mục tiêu đầu tư dự án là di dời khẩn cấp 99 hộ dân của 5 thôn thuộc khu vực Kim Bảng ra khỏi vùng thường xuyên bị ngập lụt. Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 có mức đầu tư 7 tỷ đồng (thực hiện từ năm 2013 - 2020).
Quy mô đầu tư của dự án gồm xây dựng hệ thống hạ tầng khu tái định cư gồm: san nền khu vực, xây dựng đường giao thông nối với trục đường liên xã, đường giao thông nội vùng, hệ thống cống thoát nước, hệ thống cấp điện sinh hoạt, nhà văn hóa.
Dẫn chúng tôi về với địa phương, bà Cao Thị Hằng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho hay: Dự án cấp bách để hạn chế thiệt hại về người và của trong mùa mưa bão, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã tranh thủ nguồn vốn, nhân lực để thi công trên thực tế. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành. Sau đó phân lô và cho các hộ dân thuộc khu vực Kim Bảng về lập nhà sinh sống.
Chị Cao Thị Liệu, thôn Kim Bảng (xã Minh Hóa) cho biết: Một trong 18 hộ gia đình chuyển về sinh sống đầu tiên tại khu tái định cư này vào năm 2018, gia đình chị được cấp 350m2 đất. Sau khi dựng nhà mới, tái thiết việc chăn nuôi lợn gà thì hiện nay anh chị đã có thêm một dàn máy xay xát lúa. Gia đình với 6 người cuộc sống đã khá hơn, đã vươn lên thoát nghèo và không còn nỗi lo ngập lụt và tài sản bị cuốn trôi như trước đây.
Qua thống kê nhanh từ chính quyền cơ sở, hiện khu di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa) đã có 39 hộ dân được cấp đất làm nhà ở, trong đó đã có hơn 20 hộ về sinh sống, xây dựng mới nhà cửa.
Nhiều hộ dân khác có nhu cầu, đã nộp đơn xin được cấp đất lên chính quyền xã, sẽ được giải quyết trong thời gian tới, khi mà giai đoạn 2 dự án được bố trí đủ vốn để thi công hoàn thành.
Bố trí thêm 5 khu tái định cư
Văn phòng UBND huyện Minh Hóa thông tin, là địa phương chịu nhiều tổn thất về tài sản và sinh mạng trong các mùa mưa bão, do nước lũ lên nhanh mà rút chậm, ngâm nhiều ngày. Nhiều khu vực bị ngập lụt sâu, chia cắt và có nguy cơ sạt lở cao.
Người dân đến sinh sống, dựng nhà ở tại Khu di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa). |
Gần đây, qua khảo sát nhanh của ngành chức năng, được sự quan tâm của UBND tỉnh và sự chủ động bố trí kinh phí của UBND huyện Minh Hóa, nhiều đồ án quy hoạch khu tái định cư, di dân tại các xã Hồng Hóa, Thượng Hóa, Tân Hóa, Hóa Sơn và Minh Hóa đã được lập, trên tổng phạm vi nghiên cứu là hơn 52ha.
Mục tiêu cụ thể của 5 khu tái định cư này là thực hiện di dời 595 hộ dân tại các xã Hồng Hóa, Thượng Hóa, Tân Hóa, Hóa Sơn và Minh Hóa, đến nơi ở mới an toàn, cao ráo và tái ổn định sản xuất.
Đáng chú ý, như tại xã Tân Hóa, được xem là vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa, nhiều năm nay đang được đầu tư hạ tầng kỹ thuật kiên cố. Bên cạnh những giải pháp thích ứng như nhà tránh lũ, nhà phao nổi, nhà cộng đồng cho thấy hiệu quả cao. Mới đây, xã Tân Hóa cũng vừa được quy hoạch khu tái định cư, di dân tại thôn 5 Yên Thọ, với tổng diện tích 7,7ha. Trong đó, quy hoạch đất ở 140 lô, để di dời dân, diện tích 5,6ha.
Ông Nguyễn Bắc Việt - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: Trước sự cần thiết và kết quả đạt được ở Khu di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa, hiện giai đoạn 2 của dự án này đang được chủ đầu tư cho triển khai. Khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu giãn dân của 87 hộ với 263 nhân khẩu, về vị trí ở mới an toàn, đảm bảo tránh lũ.
Tại xã Tân Hóa, là địa phương đang tập trung phát triển du lịch. Bên cạnh đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội địa phương, việc an sinh xã hội như tái định cư, di dân vùng sạt lở là nhiệm vụ cấp thiết, được ưu tiên. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, việc bố trí vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp, làm đường giao thông, cấp điện, cấp nước, hệ thống thoát nước sẽ được chủ đầu tư quan tâm thực hiện.
Nhất Linh
Theo