(Xây dựng) – Nhiều chuyên gia đang kiến nghị áp dụng phương án xây dựng cầu cạn thay thế cho phương án sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc. Nhưng liệu việc làm cầu cạn có mang đến hiệu quả kinh tế cao hơn?
Phương án xây dựng cầu cạn có chi phí đầu tư cao hơn phương án đắp nền đường. (Ảnh minh họa). |
Hiện nay, các dự án xây dựng đường cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn vì các tính chất đặc thù của khu vực này như điều kiện địa chất yếu, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh, rach, sông ngòi và khu vực còn đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trong tình hình này, việc xử lý nền đất yếu thường kéo dài hơn 1 năm khiến các dự án bị chậm tiến độ. Hơn nữa, trữ lượng cát trong khu vực cũng bị thiếu hụt, không đủ đáp ứng cho các dự án đang triển khai thi công.
Cụ thể, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 8 dự án đường cao tốc với tổng chiều dài 463km và nhu cầu về cát san lấp khoảng 53,7 triệu m3. Tổng trữ lượng khai thác cát trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của 8 dự án. Đứng trước tình hình này, các chuyên gia và nhà khoa học có đề xuất một số giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt cát san lấp. Trong đó, 2 giải pháp được đề xuất nhiều nhất là sử dụng các loại vật liệu thay thế để đắp nền đường như cát biển, tro xỉ nhiệt điện, hoặc xây dựng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp.
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, phương án xây dựng cầu cạn sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với phương án sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Việc làm cầu cạn sẽ giảm đáng kể diện tích chiếm dụng và chi phí giải phóng mặt bằng; đảm bảo thông thoáng, không cần hầm chui dân sinh; không chịu tác động của biến đổi khí hậu; ít phụ thuộc vào mùa mưa; rút ngắn tiến độ thi công, không phải chờ lún cố kết; chi phí bảo trì thấp; hay phân bổ phù sa, trầm tích đồng đều cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Ảnh: Dịch Phong). |
Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là chi phí xây dựng cầu cạn sẽ cao hơn rất nhiều so với phương án đắp nền đường. Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, chi phí đầu tư xây dựng cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long theo phương án cầu cạn bê tông cốt thép sẽ cao hơn khoảng 2,6 lần so với chi phí đầu tư xây dựng cao tốc sử dụng nền đường bằng đắp cát. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Lê Văn Cư - Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng cũng lưu ý rằng việc lựa chọn phương án cần xem xét đánh giá bổ sung dựa trên một số chỉ tiêu “không định lượng” có liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Cũng chia sẻ về nội dung này, Tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam cho rằng, chi phí đầu tư xây dựng cầu cạn có thể cao hơn chi phí đầu tư cho nền đường đắp bằng cát, nhưng lợi ích mang lại sẽ lâu dài và bền vững hơn.
Hiện nay, tổng mức đầu tư của các công trình ở Việt Nam chủ yếu chỉ tính chi phí trực tiếp mà chưa đề cập đến chi phí bảo trì. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã tính toán cả phí bảo trì công trình xây dựng trong 50 năm.
Tiến sĩ Trần Bá Việt khẳng định, nếu như không tính phí bảo trì vào tổng mức đầu tư thì việc lựa chọn phương án xây dựng sẽ không chính xác vì hiệu quả kinh tế mang lại không đúng với thực tế.
Chi phí bảo trì cầu cạn vốn thấp hơn rất nhiều so với đường đất đắp ở khu vực Đồng bằng sông cửu Long. Nếu việc bảo trì được làm đều đặn thì chi phí sẽ càng giảm xuống. Thực tế là trong những năm qua, nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long cứ lặp lại điệp khúc “sửa rồi lại hỏng, hỏng rồi lại sửa”, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng của Ngân sách Nhà nước, nhưng hiệu quả không cao.
Tiến sĩ Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam (Ảnh: Dịch Phong). |
Theo tính toán của Tiến sĩ Trần Bá Việt, tổng mức đầu tư cho phương án cầu cạn sử dụng dầm bê tông siêu tính năng (UHPC) là 222 tỷ đồng/km, cao gấp 1,23 lần so với tổng mức đầu tư của Bộ Xây dựng quy định cho đường đất đắp trung bình là 180 tỷ đồng/km. Với đoạn đất đắp cao trên 3,5m thì tổng mức đầu tư là 250 tỷ đồng/km, tỷ lệ chi phí xây dựng cầu cạn so với đường đất đắp là 0,93 lần (chỉ tính đầu tư trực tiếp, chưa tính chi phí bảo trì trong vòng 50 năm).
Các chuyên gia và nhà khoa học kiến nghị áp dụng phương án xây dựng cầu cạn kết hợp đường đất đắp không cần hầm chui dân sinh, áp dụng cho các đoạn đắp cao, nút giao và cầu dẫn. Phương án này sẽ cho phép suất đầu tư xây dựng đường cao tốc ở Đồng bằng Sông Cửu Long nằm trong suất đầu tư của một số dự án đã hoàn thành, có tính thực tế và có thể áp dụng ngay vì lợi ích lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững cho vựa lúa lớn nhất cả nước.
Hữu Mạnh
Theo