(Xây dựng) – Với lợi thế liền kề Cụm công nghiệp (CCN) Hoàng Xá, được tỉnh quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng CCN Thắng Sơn, tuyến đường liên huyện mới được nâng cấp, xã Thắng Sơn (Thanh Sơn, Phú Thọ) xác định tập trung thực hiện khâu đột phá “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng”, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
Người dân khu Giếng Ống chung sức, đồng lòng thi công đường giao thông nông thôn. |
Thắng Sơn là xã vùng 3 của huyện miền núi Thanh Sơn, có 936 hộ, gần 3.800 nhân khẩu, trong đó hơn 80% là đồng bào dân tộc Mường, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 16,10%. Tuy nhiên, nắm bắt được lợi thế CCN liền kề xã Thắng Sơn đã nỗ lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và đầu tư kết cấu hạ tầng nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động các nguồn lực thực hiện quyết liệt các khâu đột phá đã xác định. Trong đó, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn phù hợp với lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đến nay, trên địa bàn xã có 4 công ty chế biến gỗ và một công ty sản xuất gạch xây dựng (tăng 3 công ty so với đầu nhiệm kỳ), 4 cơ sở may, 9 xưởng cơ khí, 8 cơ sở sơ chế chè búp tươi (tăng 2 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ), hơn 50 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại, vận tải, y tế, lưu trú...
Việc đầu tư vào công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ không chỉ giúp xã Thắng Sơn ngày càng phát triển, mà còn giải quyết việc làm cho con em địa phương. Hiện nay, toàn xã có hơn 1.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó hơn 300 lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại xã, hơn 700 lao động làm việc tại CCN Hoàng Xá và các xã, huyện lân cận... với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của xã đạt 28,1%, tăng 14,1% so đầu nhiệm kỳ.
Thực hiện khâu đột phá về đầu tư kế cấu hạ tầng, hơn hai năm qua, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh và huyện, người dân trong xã đã tự nguyện hiến hơn 7.000m2 đất, góp gần 1 tỷ đồng, hàng trăm ngày công lao động, chung sức, đồng lòng cùng xã làm mới trên 4km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, đưa tỉ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 83,1%, vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Đặc biệt, xã đã làm tốt công tác phối hợp với Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện và chủ đầu tư trong thực hiện công tác GPMB triển khai hạ tầng CCN Thắng Sơn theo quyết định của UBND tỉnh với quy mô 20ha; triển khai xây mới năm nhà văn hóa khu dân cư, nhà điều hành, khuôn viên, nhà lớp học trường THCS, trường tiểu học...
Để giảm nghèo bền vững cho người dân, xã xác định nông nghiệp vẫn là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Ngoài duy trì 347ha gieo trồng cây hàng năm, xã hình thành và mở rộng vùng sản xuất lúa đặc sản nếp Quạ đen từ 3ha năm 2020 lên 50ha, đồng thời vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi hơn 10ha đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi trâu bò. Hiện nay, toàn xã có năm trang trại, 17 gia trại với đàn trâu, bò hơn 1.100 con, đàn lợn gần 10.000 con, đàn gia cầm hơn 63.000 con, diện tích nuôi trồng thủy sản 9,2ha; ngoài ra còn hơn 75ha chè, 53ha bưởi Diễn... đang cho thu hoạch. Tại xã đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được triển khai theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, giúp xử lý chất thải nông nghiệp, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, đến nay xã đạt 12/19 tiêu chí và có 2/8 khu dân cư được công nhận khu dân cư Nông thôn mới. Xã đã hướng dẫn thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của Chi hội nghề nghiệp nuôi bò sinh sản, bò thịt tại khu Đá Đen với 9 thành viên, phát huy sự hợp tác hiệu quả của Tổ liên kết chăn nuôi gà thịt tại khu Đá Bia với 7 thành viên, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch để phục vụ thị trường. Sản phẩm nếp Quạ đen của Thắng Sơn được công nhận sản phẩm OCOP, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 12%, hộ cận nghèo dưới 6%... cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc xã Thắng Sơn quyết tâm thực hiện có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (về xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), góp phần nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đặc biệt, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng đền bù GPMB huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân GPMB dự án CCN Thắng Sơn, tạo mặt bằng sạch để xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư vào CCN. Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của xã theo hướng tăng cao tỉ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhất là khi CCN Thắng Sơn hình thành, đi vào hoạt động.
Thái Lâm
Theo