(Xây dựng) – Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, chiếm 18% GDP toàn quốc, với hơn 19,6 triệu người. Toàn vùng có 1 đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương là TP Cần Thơ, 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là TP Mỹ Tho (Tiền Giang), 7 đô thị loại II và 6 đô thị loại III.
Đường cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi qua huyện Vĩnh Thạnh. |
Tháo gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng
Với vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, khoảng 340 km đường biên giới với Campuchia; 6 cửa khẩu quốc tế là: Hà Tiên, Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Thường Phước, Dinh Bà, Bình Hiệp và 12 cửa khẩu phụ kết nối với Campuchia; có đường bờ biển dài xấp xỉ 740 km và vùng biển rộng lớn tiếp giáp với các nước ASEAN. Đồng bằng sông Cửu Long còn có các tuyến cao tốc, quốc lộ theo quy hoạch, sẽ tăng cường khả năng kết nối trên hành lang vận tải xuyên Á và kết nối các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Hệ thống đường bộ cơ bản được phủ khắp, hình thành mạng lưới gắn kết với các vùng sản xuất, vùng tiêu thụ hỗ trợ hoạt động vận tải hàng hoá trong chuỗi cung ứng logistics của vùng. Các “điểm nghẽn” hạ tầng đang từng bước được tháo gỡ, như đẩy nhanh hoàn thành đầu tư xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, dự án cầu Rạch Miễu 2, tĩnh không các cầu Măng Thít, Chợ Lách...
Thị phần vận tải bằng đường thủy tăng, cùng với việc đẩy nhanh đầu tư nâng cấp các cảng bến thủy thúc đẩy phương thức vận tải thủy phát triển với chi phí, giá thành thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản Đồng bằng sông Cửu Long. Mạng lưới đường thủy mang tính chất liên tỉnh và quốc tế, có các tuyến xuất phát từ biên giới ra hướng biển Đông.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Giải pháp chính sách về quy hoạch: Rà soát tích hợp các quy hoạch chuyên ngành vào quy hoạch tỉnh, đảm bảo đồng bộ phù hợp với Luật Quy hoạch. Tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong vùng, giữa các ngành trong việc nghiên cứu hoàn thiện, đề xuất các chính sách phù hợp với đặc thù của vùng trong triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và đạt hiệu quả, đề xuất mô hình quản lý và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của vùng.
Giải pháp thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Tận dụng tối đa nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài trong dự án tài trợ của 6 ngân hàng phát triển (ADB, KEXIM, AFD, KfW, JICA và WB) thuộc chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng, để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các dự án ODA; bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư một số công trình cấp bách, đặc biệt hệ thống cầu yếu và các công trình gia cố bền vững, chống sạt lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng
Thúc đẩy việc huy động các nguồn ngân sách Nhà nước và có tính chất ngân sách Nhà nước tập trung vào các dự án, các tuyến đường giao thông chính trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tham gia góp vốn làm tăng tính thương mại của các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Nghiên cứu đề xuất giải pháp chính sách huy động nguồn lực đất đai để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thông qua khai thác quỹ đất; cho thuê quyền khai thác và chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng giao thông; Ưu tiên cho khai thác các dịch vụ liên quan dọc tuyến đường bộ (trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ, trạm cân xe, quảng cáo, các công trình khác...).
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ
Đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cảng biển Trần Đề... cải tạo nâng cấp các tuyến đường kết nối vào các cảng biển, cảng thủy nội. Việc phát triển theo đúng quy hoạch sẽ đảm bảo lợi ích đóng góp tối ưu trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, khai thác vận tải và xây dựng công trình giao thông. Áp dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình ngầm, xử lý nền đất yếu, công trình cầu vượt sông lớn, mặt đường cấp cao; nghiên cứu sử dụng vật liệu mới trong xây dựng đường giao thông, phù hợp điều kiện địa chất, thủy văn của vùng. Nghiên cứu việc thí điểm dùng cát biển làm vật liệu xây dựng hạ tầng giao thông.
Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, chuyển đổi quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật, các định mức trong xây dựng cơ bản ngành GTVT phục vụ công tác quản lý nhà nước. Tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, quản lý và cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đã và đang được quan tâm, tập trung đầu tư, trong giai đoạn vừa qua. Hệ thống kết nối nội vùng và liên vùng, trên cơ sở các tuyến cao tốc, quốc lộ mới, đang dần được hoàn chỉnh, tuy nhiên về cấp kỹ thuật và chất lượng mặt đường hệ thống quốc lộ vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu: Tỷ lệ chiều dài đường có quy mô trên 4 làn xe mới đạt 13,13%; chất lượng mặt đường chủ yếu đạt mức trung bình (65,37%), tỷ lệ mặt đường xấu và rất xấu còn cao (18,71%).
Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại Quyết định 1454/QĐ-TTg, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, đặc biệt là các trục có nhu cầu vận tải cao như trục TP.HCM - Cần Thơ, trục N2 đoạn từ Cao Lãnh về TP.HCM, tạo kết nối thuận lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM.v
TS Phạm Hoài Chung
Viện Chiến lược và Phát triển GTVT
Theo