(Xây dựng) - Làm sao để phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp bền vững? Làm thế nào để con người có thể sống trong môi trường đáng sống? Hãy cùng Báo điện tử Xây dựng tham khảo một số trường hợp cụ thể từ kinh nghiệm quốc tế sau đây.
Người Nhật ý thức môi trường từ thuở nhỏ. |
Nhật Bản: Ý thức môi trường từ thuở hồng hoang
Từ khi ở trên ghế nhà trường, mọi học sinh đều phải tham gia các trò chơi tập thể và chơi thể thao trong phòng tập, nhà thể chất và mọi công việc mà ai cũng cho là việc dĩ nhiên đó là thu dọn đồ và lau sàn. Ở trường học, họ không thuê bất cứ nhân công nào cho việc này mà học sinh đều phải thay phiên nhau dọn vệ sinh trường học, lớp học của mình. Họ giáo dục cho trẻ có ý thức về môi trường và vệ sinh sạch sẽ từ thuở hồng hoang.
Việc giữ gìn vệ sinh môi trường của người Nhật thể hiện rất rõ việc họ ứng xử ngoài đường phố. Ví dụ, bất cứ công dân Nhật nào đi ra đường cùng chó nuôi đều phải mang theo túi đựng và túi đặc biệt để hốt phân khi chẳng may chúng bậy trên đường. Người chủ lúc này phải tự biết giải quyết vệ sinh một cách gọn gàng, sạch sẽ.
Người Nhật rất thích những hoạt động dã ngoại ở bên ngoài ngôi nhà của mình. Đó là những hoạt động thưởng thức hoa Anh Đào, nhóm cùng nhau nướng thịt ngoài trời, nhóm cắm trại. Sau khi kết thúc các hoạt động này, hoạt động không thể thiếu chính là việc làm trả lại cho môi trường xung quanh y như lúc ban đầu - nhặt rác, dọn dẹp sạch đẹp!
Stockholm (Thụy Điển): Tôn trọng môi trường sinh thái
1/3 Stockholm là nước và 1/3 nữa chính là công viên cây xanh. Mỗi khu dân cư ở Stockholm đều có những khoảng xanh lớn để cung cấp không khí trong lành. Với mong muốn tận hưởng tối đa cảnh quan với màu xanh ngát của cây cỏ thiên nhiên, các ngôi nhà ở đây thường được thiết kế theo không gian mở theo phong cách hiện đại. Vẻ ấm áp, thân thiện toát ra từ chất liệu gỗ ở những ngôi nhà cổ, cách bài trí giản dị tạo ấn tượng đẹp với bất cứ ai một lần đặt chân đến.
Thành phố Stockholm là sự kết nối của những thảm thực vật, những công viên xanh yên ả xen lẫn sự nhộn nhịp của cuộc sống đô thị, sự giao thoa giữa nét cổ điển, truyền thống và lối kiến trúc hiện đại xa hoa. Trẻ em Thụy Điển ngay từ khi còn nhỏ đã được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên môi trường thông qua các hoạt động tại nhà trường, được giáo dục cách sống thân thiện và bảo vệ môi trường xung quanh. Năm 1909, Thụy Điển trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thành lập vườn quốc gia. Sau đó rất nhiều khu vực bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa khác được thành lập khắp đất nước. Khoảng 20% người dân Thụy Điển sở hữu ngôi nhà mùa hè được xây dựng giữa rừng, gần hồ để nghỉ dưỡng tận hưởng thời tiết ngày hè xứ Scandinavia.
Ở Thụy điển, người dân nơi đây có tình yêu sâu đậm với thiên nhiên. Có lẽ bởi niềm tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước mà người dân bất kể tuổi tác, nghề nghiệp và tầng lớp xã hội đều có ý thức sâu sắc trong việc chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Nơi đâu cũng có những khu bảo tồn thiên nhiên. Người dân có thể tự do đi lại, vui chơi trong thiên nhiên, dù là đồng cỏ, hồ ao, rừng cây hay trang trại thuộc sở hữu của bất kỳ ai, miễn là không làm gì phá hoại đến tài sản người khác và môi trường tự nhiên. Các gia đình Thụy Điển thường cùng đi dạo, đi xe đạp trong công viên, đi câu cá ở miền quê, cắm trại trong rừng và không bao giờ làm hại đến cây cỏ thiên nhiên nơi đây.
Bất cứ ở đâu có nhà, có người là ở đó có hoa. Hoa có mặt ở khắp nơi. Hoa mọc trên mặt đất. Hoa trồng trong chậu. Hoa đủ màu, đủ sắc. Hệt như trong những câu truyện cổ nếu nhìn từ cửa sổ nhìn ra, thấy hoa ngoài vườn, ngoài sân, bên hàng rào... Từ ngoài đường nhìn vào, hoa bậu đáng yêu bên những khung cửa sổ. Có lẽ bấy nhiêu thôi cũng đủ cho người ta cảm nhận về một tình yêu thiên nhiên của người dân Thụy điển.
Oslo (Na Uy): Niềm yêu thiên nhiên bất tận
Bất kỳ thành phố nào cũng có thể mơ ước được xanh hơn, nhưng cần có quyết tâm, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị cùng với sự ủng hộ của người dân. Đó là điều làm cho Oslo trở nên đặc biệt. Không vì mục đích yêu thiên nhiên và bảo tồn thiên nhiên, những nỗ lực của thành phố trong việc cải tạo nguồn nước, cắt giảm khí thải CO2, chất lượng không khí, phát triển xanh, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và giao thông công cộng là điều quan trọng trong việc góp phần làm nên một đô thị bền vững như ngày hôm nay.
Chính quyền Oslo rất khắt khe trong vấn đề tạo không gian sống xanh mát, trong lành nhằm bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí và cuộc sống của người dân. Trải dài trên diện tích khoảng 500km2 với hơn 600.000 người, Oslo chỉ cho phép xây dựng trên diện tích 115km2, diện tích còn lại được dành cho công viên, nhà vườn, rừng, suối, ao hồ… Chính quyền thành phố cũng đã cải tạo hệ thống sông và suối với chiều dài 3.000m nhằm tạo môi trường đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên và giúp thoát nước hiệu quả.
Trong hàng chục năm qua, Chính phủ Na Uy đã nỗ lực để biến Olso thành thành phố lý tưởng nhất thế giới với bầu không khí trong lành và chất lượng cuộc sống tốt. Họ đã quyết tâm cao để Oslo là một trong những thành phố có nhiều cây xanh nhất thế giới với hàng loạt công viên cây xanh trải khắp. Thủ đô Oslo của Na Uy tiếp tục truyền cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới, khi đặt mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030, tiến tới không có khí thải CO2 đến năm 2050. Dù còn cần nhiều nỗ lực, song với chiến lược mới, Oslo một lần nữa khẳng định những ưu tiên của mình đối với phát triển đô thị bền vững.
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí CO2, Oslo cũng đẩy mạnh việc phát triển hệ thống giao thông công cộng. Oslo dường như không muốn tận dụng lợi thế đó. Cuộc “cách mạng xanh” mà giới chức thành phố này thúc đẩy trong những năm qua được xem là cơ sở để Oslo hoàn thành mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030. Mục tiêu cắt giảm 95% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 của Oslo nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân thành phố. Phần lớn người dân Oslo ủng hộ các mục tiêu phát triển xanh và bền vững mà chính quyền thành phố đề ra. Nhiều cư dân Thủ đô Na Uy sẵn sàng thay đổi lối sống của mình, góp phần bảo vệ môi trường và tin rằng chính họ sẽ hưởng lợi từ những thành quả về chất lượng sống.
Đan Mạch: Trân trọng bầu không khí thiên nhiên
Đầu tư và lập quy hoạch cho không gian đô thị công cộng hấp dẫn hơn là trọng tâm chính của các thành phố tại Đan Mạch. Họ quan niệm: Trân trọng bầu không khí thiên nhiên và làm trong lành bằng cách giảm thiểu giao thông cá nhân và sử dụng năng lượng sạch.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng đô thị hấp dẫn và bền vững ở Đan Mạch là giải quyết vấn đề lưu thông, cơ sở hạ tầng theo hướng ưu tiên cho người đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng tại các trung tâm đô thị. Phát triển theo định hướng giao thông công cộng; triển khai cơ sở hạ tầng xe đạp, dành không gian cho người đi bộ.
Được biết trong những năm gần đây, số lượng xe đạp tại Đan Mạch đã tăng lên hàng ngàn chiếc mỗi ngày. Tại các thành phố của Đan Mạch, ôtô chỉ có thể đỗ tại các không gian được quy định và không được đi nhanh hơn xe đạp. Điều này đã khiến cho các thành phố hiện nay lại phải đối phó với vấn đề xe đạp đi với tốc độ quá nhanh.
Khánh Phương
Theo