(Xây dựng) – Ngày 18/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2045. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị (Ảnh: Nhật Minh). |
Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày tóm tắt nội dung Đồ án. Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, bao gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích đất nổi khoảng 7.578ha và phần khai thác không gian biển khoảng 140ha.
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo phù hợp định hướng phát triển du lịch, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, khai thác và bảo vệ sinh thái Vườn quốc gia, hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao.
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo để đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề trong phát triển dân cư, du lịch với các yêu cầu về bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và sinh thái, bảo đảm an ninh quốc phòng. Hướng tới phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa lịch sử, gắn với các khu đô thị xanh, thông minh; Làm cơ sở cho việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch
Về tính chất, huyện Côn Đảo là khu du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái biển đảo quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế; là khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, có giá trị tôn vinh và giáo dục truyền thống lịch sử; là khu vực bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển của quốc gia và quốc tế; Có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh.
Theo đó, dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 31.000 người. Trong đó dân số quy đổi khoảng 16.500 người. Dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 45.800 người. Trong đó dân số quy đổi khoảng 20.400 người.
Về quy mô đất đai, tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 7.718ha bao gồm: Diện tích ngoài Vườn quốc gia Côn Đảo khoảng 1.864ha; Diện tích nằm trong Vườn quốc gia Côn Đảo (không tính phần mặt biển) khoảng 5.854ha.
Côn Đảo là đảo sinh thái đặc thù với mô hình cấu trúc phân tán đa trung tâm. Mỗi khu vực đều được gắn kết với hệ sinh thái rừng tự nhiên và mặt biển. Cấu trúc chính của đảo bao gồm hai vùng là vùng ưu tiên dành cho bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên (bao gồm: Vườn Quốc gia Côn Đảo, các đảo nhỏ, các khu vực tự nhiên khác) và vùng ưu tiên phát triển đô thị, du lịch (bao gồm: Khu vực Trung tâm Côn Sơn, Khu vực Cỏ Ống, Đầm Tre, Khu vực Bến Đầm).
Vườn quốc gia Côn Đảo là khu vực bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên rừng và biển, kết hợp khai thác tham quan du lịch, với định hướng phát triển tại khu vực đảo chính với quy hoạch phát triển các khu du lịch dịch vụ theo mô hình thuê môi trường rừng tại một số địa điểm đã được quy hoạch trong Vườn quốc gia Côn Đảo; tại các đảo có khả năng khai thác du lịch phát triển cá dịch vụ và bãi tắm nhỏ.
Khu Trung tâm Côn Sơn sẽ là khu vực đô thị di sản - du lịch, với các chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ… Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 27.800 người, trong đó dân số thường trú khoảng 19.300 người, với khoảng 6.200 phòng khách sạn. Khu vực được định hướng phát triển không gian theo 03 khu vực chính là: Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo, khu Cỏ Ống – Đầm Tre, khu Bến Đầm. Trong đó, khu di tích cấp quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo với quy mô 110ha, với định hướng quy hoạch khu vực xung quanh di tích gốc thành các không gian đệm, không gian mở - quảng trường, không gian cây xanh, không gian văn hóa và các hạng mục kiến trúc hỗ trợ trong khai thác các di tích; Các khu dân cư hiện trạng cải tạo; khu dân cư hiện trạng cải tạo; khu đô thị - du lịch phát triển mới; khu du lịch – dịch vụ nghỉ dưỡng riêng biệt; khu sinh thái nông nghiệp...
Cùng với đó, khu Cỏ Ống – Đầm Tre sẽ là đô thị du lịch, định hướng phát triển không gian bao gồm: khu vực cảng hàng không Cỏ Ống, tổ hợp đô thị du lịch cao cấp ven biển tách ra khỏi đô thị hàng không; diện tích các vùng sinh thái còn lại dành cho phát triển đất nông nghiệp, cây xanh, rừng tự nhiên.
Khu Bến Đầm sẽ là đô thị dịch vụ, đô thị cảng phục vụ cho các hoạt động hậu cần cảng và các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, được định hướng phát triển không gian theo hướng: Cải tạo và nâng cấp các khu dân cư cũ, xây dựng các công trình hạ tầng xã hội đảm bảo cho khu dân cư hiện hữu và phát triển mới, phát triển khu đô thị làng chài gắn với các loại hình dịch vụ để phục vụ cho các hoạt động của cảng Bến Đầm; Quy hoạch một số khu du lịch nghỉ dưỡng theo hướng đa dạng loại hình du lịch trên cơ sở điều kiện tự nhiên; Xây dựng tổ hợp dịch vụ thương mại gắn với cảng Bến Đầm; Quy hoạch khu vực Bãi Nhát thành khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nhật Minh). |
Cần nhấn mạnh vị thế đặc biệt của Côn Đảo
Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí cao với nội dung đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2045. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần nhấn mạnh vai trò, vị thế quan trọng của Côn Đảo; làm rõ những điểm đặc biệt trong phần hiện trạng; lưu ý quy hoạch cấu trúc không gian tổng thể; rà soát các dự án đầu tư, cập nhật cao độ nền; bổ sung quy hoạch không gian ngầm; quan tâm đến định hướng kiến trúc cho Côn Đảo; cân nhắc dành quy đất để khai thác; lưu ý mô hình đô thị phù hợp; rà soát quy hoạch cảng biển…
Thay mặt UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh khẳng định, điều chỉnh quy hoạch được duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh có định hướng đầu tư và phát triển. Các đơn vị của tỉnh và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trên cơ sở tiếp thu ý kiến. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tích cực phối hợp với tư vấn để hoàn thiện nội dung của đồ án.
Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh: Nhật Minh). |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc lập quy hoạch. Đồ án có chất lượng tốt, thể hiện rõ các nội dung liên quan.
Để tiếp tục hoàn thiện đồ án, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị địa phương cần nghiên cứu diện tích mặt biển; làm sâu sắc thêm đánh giá hiện trạng của Côn Đảo, nêu rõ khó khăn để đề xuất giải pháp kịp thời; xây dựng các quy hoạch trên cơ sở quy hoạch ngành.
Tỉnh cần tính toán, rà soát dự báo dân số phù hợp; cân nhắc các yếu tố về hạ tầng, từ đó có lộ trình thu hút khách du lịch phù hợp; phải có luận cứ cụ thể để thực hiện mở rộng không gian phát triển; nghiên cứu phát triển không gian mặt nước, không gian ngầm, không gian trên cao; có nội dung quản lý về hạ tầng; nghiên cứu giao thông kết nối với địa phương khác; xây dựng cơ sở vật chất phù hợp với mục tiêu du lịch…
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện hồ sơ đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Yến Mai
Theo