(Xây dựng) - Đầu Xuân, tôi đến thăm phố cổ Hà Nội. Phố xá tĩnh lặng, người đi lại thưa thớt vì dịch Covid -19. Nhà nước có chính sách di dời dân phố cổ nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu, năm nay, do dịch, dự án tạm dừng.
Sơ đồ 4 đình ở Hàng Bạc |
Đến nhà số 27 Hàng Bạc, nhìn mặt tiền khá điển hình cho kiến trúc Phố cổ, tôi đi vào ngõ tìm chủ nhà. Buồng ở mặt tiền khóa im ỉm, đi sâu vào ngõ thấy một buồng có một nhóm thợ bạc đang phân kim và làm đồ hàng bạc. Hỏi thăm thì nhóm thợ cho biết, họ thuê một buồng để lấy chỗ làm việc, chủ nhà ở buồng trong cùng.
Bà Phượng, chủ nhà, là một người phụ nữ đã luống tuổi. Nghe nói tôi muốn tìm hiểu về đời sống người dân phố cổ bà kể: Em về nhà chồng từ năm 1986. Ở phố cổ khổ lắm anh à! Hiện nay em ở với hai con, anh thấy nhà chật thế đấy! - À, nguồn sống chủ yếu của chị là gì? - Em cho thuê buồng để người ta làm việc! - Nhà chị xin được sổ đỏ chưa? - Em có sổ đỏ rồi, mà phải xin mãi mới được đấy! - Thì chị cứ viết đơn, người ta sẽ giải quyết chứ gì! - Ô, đâu có đơn giản thế! Em xin mà người ta lại bảo nhà đang bị kiện di sản cái gì đó, họ không cấp. Mà cũng không ai nói cho em biết là đang bị kiện. May là bây giờ xong rồi nên em được cấp sổ đỏ! - Nghe nói chính quyền có dự án di dời người dân phố cổ để trùng tu, xây dựng lại. Nếu có dự án, chị thấy thế nào, chị có sẵn sàng di dời không? Vừa nghe câu hỏi, bà Phượng la toáng lên: A! Anh cũng như người ta thôi. Mấy chục năm nay em bị lừa đảo nhiều quá rồi. Bao nhiêu người đến bảo em bán nhà, cả người bên chính quyền, có một ông ở Tòa án nữa, em không bán. Bán thì em ở đâu, sống bằng cách nào? Thôi, từ nay em không nói chuyện với anh nữa. Không là không! Anh muốn tìm hiểu phổ cổ thì sang gặp chị Bích, tổ trưởng dân phố ở cách đây mấy nhà…
Nghe bà Phượng nói, tôi chợt nghĩ, có thể trước đây nghe nói có dự án Phố cổ, khá nhiều người đến hỏi mua nhà của bà, có người “ép” bà bán nhà để đón chính sách. Nhưng đến khi Ban quản lý Phố cổ rà soát, không đưa nhà 27 Hàng Bạc vào danh sách nhà có giá trị cần bảo tồn thì những người mua chạy hết, đó chính là lý do vì sao cuối cùng bà Phượng được cấp sổ đỏ cho căn nhà của mình.
Tôi hỏi thăm gặp bà Bích - Tổ trưởng dân phố. Bà Bích kể: Trước đây có vụ cháy ở phường Phúc Xá, Phúc Tân, khoảng 30 - 40 hộ dân chạy vào chỗ đình Kim Ngân, mỗi hộ chiếm một chỗ ở tạm. Chính quyền thu xếp cho họ ở, lâu dần thành một tổ dân phố. Sau đấy có dự án giải tỏa di dời dân ở đình Kim Ngân, bàn bạc với dân về giá đền bù, về nơi ở mới bên phường Việt Hưng. Nghe đâu mấy anh cán bộ dự án phải ra Tòa lĩnh án vì bớt xén giá đền bù. Bây giờ xong rồi, đình Kim Ngân xây lại đẹp lắm. Nhưng hiện nay dự án ở 50 Hàng Bạc thì đang mắc. Ở đó có khoảng 30 hộ dân, nhưng nghe đâu chưa có́ tiền đền bù.
Ông Lê Văn Thông |
Số nhà 50 Hàng Bạc là di tích đình Trương Thị. Vào sâu tham quan, đình chỉ còn một buồng nhỏ thờ cúng, xung quanh dân chiếm hết xây nhà ở. Trò chuyện với ông Lê Văn Thông, một hộ dân trong nhà 50 Hàng Bạc, ông nói: Trước kia tôi ở phố Hàng Tre với các con. Nhà ở Hàng Tre chật quá nên tôi sang Hàng Bạc mua nhà của ông Cường và bà Thủy. Bây giờ bà Thủy là tổ trưởng dân phố ở đây. Lúc mua chỉ có 10 m2, là cái chái của đình, rồi tôi mở rộng ra như anh thấy bây giờ. Hồi ấy mua mất cả cây vàng ấy chứ. Vàng chỉ có 5.000 đồng/chỉ mà tôi phải mua với giá 60 triệu đấy. Anh hỏi điều kiện ăn ở thế nào à? Khổ lắm, không sướng gì đâu. Mặt bằng của nhà dưới mặt đường hơn nửa mét, mỗi khi mưa là ngập ngang mặt tủ kê ti vi. Nhưng phải chịu thôi, chứ biết làm sao. Tôi hỏi: Nếu bây giờ Nhà nước đền bù cho bác một khoản tiền, giải phóng mặt bằng để trùng tu tôn tạo đình Trương Thị thì bác có đồng ý không? Ông Thông trả lời: Đồng ý quá đi chứ, tất nhiên phải đền bù thỏa đáng. Tôi cười: Cái chữ thỏa đáng là rất khó đấy. Biết thế nào là thỏa đáng bây giờ? Ông Thông cũng cười vui vẻ: Thật ra ở đây có 4 cái đình liên tiếp nhau Đình Dũng Thọ, đình Kim Ngân, đình Trương Thị và đình Dũng Hán. Đình Kim Ngân đã làm xong rồi, còn lại 3 đình, nhưng tôi nghĩ chỉ cần làm một đình thôi chứ, làm cả 4 đình để làm gì? Dữ liệu kiến trúc cũng không còn đủ nữa. Nhà báo nên kiến nghị cần có chính sách rõ ràng, chỗ nào cần trùng tu tôn tạo, chỗ nào không cần tôn tạo mà chỉ làm mô hình, giới thiệu cảnh quan, chỗ nào cần giúp dân cải tạo nhà ở ổn đị̣nh cuộc sống. Tóm lại để Nhà nước được và dân cũng được thì việc gì cũng xong.
Nguyễn Đỗ Kim
Theo