(Xây dựng) – UBND tỉnh Ninh Bình vừa có Quyết định cấp phép thi công cầu vượt sông Càn, thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II).
Cầu vượt sông Càn thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II) vừa được UBND tỉnh Ninh Bình cấp phép thi công. |
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Bình cho phép Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (chủ đầu tư) thi công cầu vượt sông Càn thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Ninh Bình (giai đoạn II), vượt qua đê Bình Minh II tại K19+037 (lý trình đê) thuộc địa bàn xã Kim Hải, huyện Kim Sơn; điểm đấu nối: Nút giao tuyến đường ven biển huyện Kim Sơn giao với đê Bình Minh II tại K3+628 (lý trình đê) thuộc địa phận xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn.
Quy mô xây dựng: Cầu vĩnh cửu kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều rộng cầu B=12m; chiều dài toàn cầu L=726,4m; gồm 17 nhịp; cầu vượt đê biển Bình Minh II đảm bảo độ cao tĩnh không từ mặt đê đến đáy dầm cầu H>4,75m; mố T1 và trụ T1, T2 nằm ở phía đồng đê Bình Minh II; trụ T3 đến T8 nằm trong hành lang bảo vệ đê và trên bãi sông phía ngoài đê Bình Minh II; nút giao được thiết kế dạng giao bằng cùng mức, vuốt nối bằng đường cong trơn, êm thuận, điều khiển tổ chức giao thông bằng vạch sơn, biển báo.
Các hạng mục khác: Bãi tập kết vật tư thiết bị, máy móc, bãi đúc cấu kiện đúc sẵn được bố trí ở bãi ruộng phía trong đê Bình Minh II; tuyến đường công vụ nội bộ phục vụ thi công cầu có chiều rộng nền 6m, dài 334,5m, cao trình mặt đường công vụ trên cơ sở bãi sông hiện trạng, không đắp tôn cao gây cản trở thoát lũ; tấm bản bê tông cốt thép (1x1x0,1)m bảo vệ phần đá hộc xây của mái đê, số lượng 150 tấm.
Thời gian thi công: Sau khi có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh và hoàn thành theo tiến độ của dự án. Riêng các trụ T2 và T3 không thi công trong mùa lũ từ ngày 01/5 – 31/10 hàng năm.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu chủ đầu tư: Thực hiện đúng các nội dung trong Quyết định cấp phép thi công, tổ chức thi công công trình theo tiến độ đã được phê duyệt và các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, an toàn cho đê điều, công trình trong quá trình thi công và khai thác sử dụng. Tính toán, đánh giá ảnh hưởng của việc thi công hệ thống cọc khoan nhồi móng trụ cầu (nhất là trụ T2, T3) đến kết cấu thân đê, nền đê để có giải pháp đảm bảo an toàn cho đê trong quá trình thi công và khai thác sử dụng.
Việc sử dụng xe cơ giới phục vụ thi công trên đê phải tuân thủ quy định pháp luật về đê điều, chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục kịp thời những sự cố, hư hỏng của đê điều do việc thi công và sử dụng công trình gây ra, chấp hành các yêu cầu của cơ quan quản lý về đê điều trong quá trình sử dụng hoặc khi tu bổ đê điều.
Đồng thời, trước mùa mưa lũ và sau khi hoàn thành công trình phải tháo dỡ, thanh thải vật liệu, phế thải, công trình tạm phục vụ thi công và hoàn trả hiện trạng bãi sông, lòng sông; phải có phương án di chuyển máy móc, thiết bị tập kết trên bãi sông đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình thi công khi có lũ, bão.
Trong quá trình thi công phải thường xuyên theo dõi diễn biến của đê điều và bãi sông tại vị trí xây dựng và khu vực thượng, hạ lưu cầu; trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng và kịp thời xử lý đảm bảo an toàn cho đê điều, bãi sông.
Anh Tú
Theo