Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về cuộc vận động hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn có nhà ở mới đang được đông đảo cán bộ, đảng viên, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tích cực tham gia. Đến nay, hàng trăm ngôi nhà được khánh thành, bàn giao; hàng nghìn căn được khởi công xây dựng.
Đại diện Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 22 huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) trao nhà, tặng ông Nguyễn Văn Châu ở thôn Thái Yên, xã Thái Hòa. |
Thanh niên xung phong Phạm Thị Tâm, ở thôn Quần Nham 1, xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn chia sẻ niềm vui khi được ở trong ngôi nhà mới khang trang, vững chắc: “Từ nay, tôi không còn phải lo sang hàng xóm trú nhờ khi mưa bão. Hôm khánh thành nhà, các đồng chí cán bộ còn hỗ trợ gia đình mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt cần thiết”.
Cùng chung niềm vui, bà Hà Thị Nhung ở thôn Bình Định, xã Triệu Thành cho biết: “Sống một mình, sức khỏe thường hay đau yếu, tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày được ở trong ngôi nhà khang trang mà “ấm nghĩa, nặng tình” như hiện nay”. Theo đồng chí Lê Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Triệu Thành, ngôi nhà mới của bà Nhung rộng hơn 35m2, trị giá 120 triệu đồng. Trong đó, cán bộ, giáo viên ngành giáo dục huyện Triệu Sơn hỗ trợ 80 triệu đồng, số còn lại do địa phương, bà con dòng họ bà Nhung hỗ trợ.
Đồng chí Lê Đình Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Lợi cho biết, quá trình triển khai Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, thành lập hội đồng bình xét, công khai từ thôn đến xã. Ngoài hỗ trợ tiền làm nhà, xã còn huy động cán bộ, người dân đóng góp công sức giúp các gia đình khó khăn sớm có nhà ở ổn định.
Theo đồng chí Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Triệu Sơn, để triển khai Chỉ thị số 22, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo cuộc vận động cấp huyện, thành lập ban rà soát, thẩm định, xác định đối tượng hỗ trợ; ban hành quy chế làm việc và kế hoạch hoạt động của ban chỉ đạo; cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở để tham mưu ban chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Quy định chung của tỉnh là hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà làm mới, 40 triệu đồng/nhà sửa chữa. Cấp huyện và xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để huy động nguồn lực từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang; từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các gia đình, bà con trong dòng họ, khu dân cư, người Triệu Sơn đang công tác, sinh sống xa quê hướng về quê hương. Tổng số tiền huy động được hơn tám tỷ đồng. Có sự đồng thuận, đồng lòng, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, các hộ khó khăn được xây mới, sửa chữa nhà ở đạt yêu cầu về diện tích sử dụng, bảo đảm chất lượng. Mới đây, Hội đồng hương Triệu Sơn tại Thủ đô Hà Nội tổ chức giải bóng đá Cúp Bà Triệu nhằm kêu gọi giúp hộ nghèo xây nhà mới, đã ủng hộ xây dựng hai căn nhà với tổng trị giá 160 triệu đồng.
Ngay sau khi có Chỉ thị số 22, qua rà soát cho thấy, toàn huyện Ngọc Lặc còn 638 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở. Trong đó, 572 hộ cần hỗ trợ xây dựng mới, 66 hộ cần hỗ trợ sửa chữa. Đồng chí Phạm Thị Thu, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện cho biết: Huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, các ban chỉ đạo cấp huyện, xã của Ngọc Lặc đều do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban, đồng chí chủ tịch ủy ban nhân dân, chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc làm phó trưởng ban; thành lập ban vận động ở thôn, bản, tổ dân phố để chỉ đạo, triển khai thực hiện cuộc vận động, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Ban chỉ đạo chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch, triển khai vận động và huy động các nguồn lực để thực hiện Chỉ thị số 22 đúng kế hoạch; làm tốt công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện; đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của hộ gia đình nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, bà con trong dòng họ chủ động chuẩn bị mặt bằng, tham gia đóng góp nhân lực, ngày công, huy động thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Đến hết tháng 9/2024, huyện có hơn 1,84 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh và 5,52 tỷ đồng là nguồn huy động tại huyện. Tháng 10 vừa qua, huyện tổ chức khởi công xây dựng 11 ngôi nhà tặng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà tại hai xã Cao Ngọc và Ngọc Sơn.
Những năm qua, công tác vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở Thanh Hóa luôn được các cấp, các ngành, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện, được các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, nhà hảo tâm đồng tình hưởng ứng, ủng hộ. Nhờ đó, hàng nghìn gia đình được hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định.
Tuy nhiên, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, thực tế đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn, thường xuyên chịu thiên tai, bão lũ, số hộ còn khó khăn cần được hỗ trợ về nhà ở còn nhiều, trong khi nguồn lực của Nhà nước và của tỉnh còn hạn chế. Nhằm huy động cao nhất các nguồn lực từ xã hội, cùng nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn, Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh chỉ đạo các đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; lấy kết quả thực hiện làm nội dung đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, xếp loại thi đua của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, cá nhân. Chỉ thị nêu rõ, việc tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn ủng hộ, tài trợ được quản lý công khai, dân chủ, minh bạch, đúng pháp luật, đúng đối tượng, đúng quy định, kịp thời, hiệu quả, đúng nguyên tắc: Nguồn huy động được ở cấp tỉnh ưu tiên phân bổ để hỗ trợ các huyện miền núi; nguồn huy động được ở cấp huyện, cấp xã thì hỗ trợ đối tượng thuộc huyện, xã; khuyến khích các địa phương miền xuôi hỗ trợ các huyện miền núi; định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Theo Bài, Ảnh: Hoàng Lâm và Mai Luận/Nhandan.vn
Link gốc: