(Xây dựng) – Dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ – Hậu Giang đang được tăng tốc thi công trên công trường. Tuy nhiên, những vướng mắc khó khăn trong giải phóng mặt bằng và vật liệu cát đắp cần được giải quyết kịp thời để dự án đạt tiến độ đề ra.
Đoàn công tác của Cơ quan Thường trực Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng kiểm tra dự án theo kế hoạch. |
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án (BQLDA) Mỹ Thuận với Cơ quan Thường trực Hội đồng – Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng) thì Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 có tổng chiều dài 37,65km.
Dự án đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ khoảng 0,6km (quận Cái Răng); qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 37,05km (các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và Vị Thủy).
Dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng, do BQLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 01/01/2023 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025.
Trên công trường thi công dự án, nhà thầu đang xử lý nền đất yếu để thi công phần đường, nút giao liên thông và cầu.
Báo cáo cho thấy, địa phương đã giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao cho chủ đầu tư 37,57/37,65km tuyến cao tốc, tái định cư (TĐC) 1.621/1.624 hộ, đạt 99%; GPMB và bàn giao 9,05/9,25km tuyến nối NSH-IC2, TĐC 415/415 hộ, đạt 98%.
Nhà thầu thi công xử lý nền đất yếu trên công trường. |
Các nhà thầu đã tiếp cận để thi công được khoảng 37,57/37,65km tuyến cao tốc (đạt 99%) và 9,05/9,25km tuyến nối NSH-IC2 (đạt 98%). Các vị trí còn lại chưa thi công được do mặt bằng nhận được chưa liên tục nên không triển khai toàn bộ, chưa di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Dự án xây dựng 3 khu TĐC, tổng quy mô 17,9ha, trong đó thành phố Cần Thơ 01 khu, quy mô 10,8ha (có sẵn), tỉnh Hậu Giang 02 khu với mô 7,1ha. Tổng cộng cả dự án đã bàn giao 659/671 nền cho 585 hộ dân.
Hiện chủ đầu tư và nhà thầu đã huy động các kỹ sư, công nhân, lái máy với đầy đủ máy móc, thiết bị để thi công toàn tuyến. Ở tuyến chính, tổng khối lượng cát đắp hiện đạt 38%. Ở tuyến nối (đoạn ưu tiên 3,37km), tổng khối lượng cát đắp đạt 291.675/343.324m3. Phần cầu đang triển khai thi công được 40/40 cầu. Trong thời gian tới, phần tuyến chính và tuyến nối, nút giao sẽ tập trung xử lý đoạn xử lý đất yếu bằng PVD.
BQLDA cho biết, trong công tác GPMB hiện vẫn còn vướng, công tác triển khai di dời điện cao thế trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn chậm, nên đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang, thành phố Cần Thơ chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án.
Thi công phần cầu Nàng Mau. |
Đối với nguồn vật liệu cát đắp cho thi công cao tốc, BQLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư của Dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau) nhận định, toàn dự án Cần Thơ – Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3. Đến nay, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đã tiếp nhận khoảng 2,23 triệu m3 cát.
Để đảm bảo lượng cát đắp thi công, chủ đầu tư kiến nghị tỉnh An Giang hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục điều phối khối lượng cát đã cấp cho các nhà thầu. Tỉnh Đồng Tháp sớm hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ tăng công suất đối với các mỏ đủ điều kiện. Tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo các Sở, ngành hoàn thành các thủ tục khai thác mỏ, nâng công suất mỏ để cung ứng đủ khối lượng cát, đủ chỉ tiêu được giao cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; tiếp tục hỗ trợ các nhà thầu trong quá trình khai thác các mỏ cát trên địa bàn.
UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long tiếp tục quan tâm, xem xét chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhà thầu xác định giá vật liệu cát đắp nền đường phục vụ thi công dự án. Bộ Xây dựng quan tâm chỉ đạo về nội dung xác định giá mỏ vật liệu cơ chế đặc thù.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại tại công trường thi công Dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang vào đầu tháng 8/2024:
Công tác xử lý nền đất yếu. |
Chủ đầu tư và nhà thầu đã huy động các kỹ sư, công nhân, lái máy với đầy đủ máy móc, thiết bị để thi công toàn tuyến. |
Các hạng mục cầu đang được thi công theo tiến độ |
Các hạng mục cầu đang được thi công theo tiến độ. |
Ngọc Hà
Theo