Top 10 Ứng Dụng Thẻ Thưởng Uy Tín Nhất Năm 2023 - 789club ios

Chủ nhật 08/09/2024 05:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Những điều đặc biệt ở Trung đoàn Tên lửa 263 anh hùng

08:45 | 29/04/2021

(Xây dựng) - Tôi đến gặp cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão vào một chiều tháng 4/2021. Mái tóc bạc màu, đôi mắt sáng, dáng người cao lớn, giọng nói vang, ấm, dứt khoát... là những gì người đối diện cảm nhận ngay ở những phút giây đầu tiếp xúc. Câu chuyện hôm nay của chúng tôi là về những ký ức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của Trung đoàn Tên lửa 263 anh hùng với nhiều kỷ niệm sâu sắc luôn trong trái tim ông và những người đồng đội.

nhung dieu dac biet o trung doan ten lua 263 anh hung
Ông Nguyễn Hữu Mão (Ảnh: Thanh Tùng).

“Xếp bút nghiên ra trận”

Nguyễn Hữu Mão là chàng trai Hà Nội, nhập ngũ năm 1970 khi đang là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Nhớ lại thời điểm quyết định “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, ông nói lứa sinh viên của ông là lứa sinh viên đầu tiên, đông đảo ở các trường Đại học tại Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung lên đường ra trận. Ông nói rõ thêm, ở đây nói “đông đảo đầu tiên” chứ không phải những sinh viên đầu tiên. Những sinh viên đầu tiên phải kể đến thế hệ các anh Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân... Nếu những năm trước chỉ lẻ tẻ mỗi năm vài người thì đến năm 1970, do đòi hỏi của tình hình chiến trường, Nhà nước buộc phải lấy đông đảo lực lượng bổ sung là sinh viên các trường đại học. Việc đó kéo dài trong 3 năm liền từ 1970 đến 1972.

“1970 là đợt đi đầu tiên. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội lúc đó có khoảng 400 người, Đại học Bách khoa Hà Nội khoảng 500 người... Mỗi trường có khoảng vài trăm sinh viên lên đường nhập ngũ, không còn lẻ tẻ như trước. Đến năm 1971, 1972, sinh viên vẫn tiếp tục ra chiến trường. Năm 1972, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phải ghép đến 4 lớp mới vào học đủ một hội trường. Hầu như sinh viên nam đi gần hết ra mặt trận. Sau này, các số liệu thống kê cho thấy, trong những năm 1970, 1971, 1972 có khoảng 10 vạn sinh viên các trường đại học “xếp bút nghiên ra trận”, ông nhớ lại.

nhung dieu dac biet o trung doan ten lua 263 anh hung
Hình ảnh tên lửa Trung đoàn 263 duyệt binh trên đường phố Sài Gòn vừa giải phóng ngày 15/5/1975 (nhân vật cung cấp).

Có lẽ do là đợt nhập ngũ đầu tiên nên khi vào huấn luyện bộ binh xong, hầu hết lính sinh viên lúc đó đều được Bộ Quốc phòng chia về các binh chủng kỹ thuật. Người về phòng không - không quân, người về pháo binh, người về công binh, người về tăng thiết giáp... Nguyễn Hữu Mão được phân về Trung đoàn Tên lửa 263 (còn gọi là Đoàn Tên lửa Quang Trung), Trung đoàn tên lửa thứ 8 của Bộ đội Tên lửa phòng không, thành lập ngày 30/5/1966.

Nhận lẵng hoa cuối cùng của Bác

Trong dòng suy tưởng về những năm tháng chiến đấu đã qua, ông Nguyễn Hữu Mão chia sẻ, có 5 điều đặc biệt gắn liền với Trung đoàn Tên lửa 263 mà ông vinh dự được là một phần trong đó. Đó là, được nhận lẵng hoa cuối cùng của Bác Hồ khi bắn rơi máy bay trinh sát Mỹ năm 1969; Đơn vị tên lửa duy nhất của phòng không-không quân Hà Nội kịp báo động chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ khi chúng tổ chức vào cứu giặc lái tại Sơn Tây 1970; Đơn vị tên lửa bắn rơi máy bay B52 đầu tiên của không lực Mỹ; Đánh rơi 2 máy bay cuối cùng của Mỹ trên miền Bắc ngày 14/1/1973; Là Trung đoàn tên lửa phòng không duy nhất tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và diễu binh mừng chiến thắng tại Sài Gòn.

Theo cựu chiến binh Nguyễn Hữu Mão, một trong những chiến công nổi bật của Trung đoàn Tên lửa 263 phải kể đến là vào ngày 28/8/1969: tại trận địa Văn La, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), Tiểu đoàn 56 của Trung đoàn 263 đã phóng 1 quả đạn bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay trinh sát không người lái tầm thấp loại 147-S.

Mặc dù đó là những ngày Bác Hồ đang mệt nặng trên giường bệnh nhưng khi nghe tin Bộ đội Phòng không Hà Nội bắn rơi tại chỗ máy bay trinh sát của Mỹ vào do thám Thủ đô, Bác vẫn bảo Văn phòng gửi tặng đơn vị lập công một lẵng hoa của Người. Ngay sau đó, lẵng hoa của Bác cũng đã được chuyển tới các tiểu đoàn khác của Trung đoàn 263 để truyền sức mạnh và ý chí quyết tâm chiến đấu lập công đến từng cán bộ, chiến sĩ.

“Trong ngày hân hoan đón nhận niềm vinh dự ấy, các cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 263 đâu có biết đây là lẵng hoa cuối cùng của Bác gửi tặng cho bộ đội và nhân dân trước lúc Người đi xa mãi mãi…! Ngày 3/9/1969, từ cơ quan Trung đoàn bộ đến các trận địa tên lửa của các tiểu đoàn, tất cả cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 263 đều đau buồn hướng về Ba Đình lịch sử vĩnh biệt Bác Hồ muôn vàn kính yêu”, ông Mão nhớ lại.

Đập tan cuộc tập kích vào Sơn Tây

Đến năm 1970, một chiến công khác của Trung đoàn 263 được lập nên là đập tan cuộc tập kích của quân Mỹ tại Sơn Tây. Giữa năm 1966, trước sự thúc ép của dư luận nước Mỹ, nhất là của gia đình các phi công Mỹ bị bắn rơi trong các cuộc không kích tại miền Bắc Việt Nam, Bộ Quốc phòng Mỹ buộc phải thu thập thông tin và tìm cách giải cứu các tù binh này. Đến cuối năm 1970, cuộc tập kích vào Sơn Tây với mục đích trên bắt đầu.

Ông Nguyễn Hữu Mão kể lại, đúng 23h25 ngày 20/11/1970, từ căn cứ Udon (Thái Lan), 6 máy bay trực thăng Mỹ cất cánh mang theo đội biệt kích 103 người bay về hướng bắc Việt Nam với sự yểm trợ trực tiếp của các máy bay cường kích AD-6. Cùng đi với 6 trực thăng này còn có 1 chiếc C-130 dẫn đường cùng 2 chiếc C-141 để chở tù binh từ Sơn Tây về. Toàn bộ đội hình này đều bay ở độ cao rất thấp, men theo các triền núi để tránh sự phát hiện của radar Việt Nam.

Theo số liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ đã điều tổng cộng hơn 100 máy bay các loại của Không quân và Hải quân cất cánh từ 5 căn cứ không quân tại Thái Lan, 3 tàu sân bay tại Vịnh Bắc bộ để làm nhiệm vụ chế áp lực lượng phòng không - không quân của Việt Nam và ném bom, bắn phá các nơi nhằm nghi binh hỗ trợ cho chiến dịch này.

Lúc đó là gần 2 giờ sáng ngày 21/11/1970, các đơn vị phòng không của ta đã được lệnh báo động chiến đấu. Trong đó Trung đoàn tên lửa 263 thuộc Sư đoàn phòng không Hà Nội trang bị tên lửa SAM-2 đã cảnh giác cao, vào cấp 1 nhanh nhất. Lúc 2 giờ 39 phút, tiểu đoàn 43 ở trận địa Chèm (Từ Liêm, Hà Nội) đã nhanh chóng phát hiện 1 tốp mục tiêu bay vào vùng hỏa lực của mình và lập tức phóng ngay 2 quả đạn, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc F-4.

13 phút sau, tiểu đoàn 44 ở trận địa Yên Nghĩa (Hoài Đức, Hà Tây cũ) bám sát chính xác tốp mục tiêu khác đang tiếp tục lao vào và chỉ phóng 1 quả đạn đã thiêu cháy 1 máy bay F-4. Trước sự đánh trả quyết liệt của tên lửa phòng không ta như vậy, lũ phản lực Mỹ phải tan tác đội hình bay dạt ra phía ngoài xa.

Trung đoàn tên lửa 263 đã được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng lẵng hoa. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cũng tặng Trung đoàn 2 bức trướng để ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc này. Còn kế hoạch tập kích Sơn Tây của Mỹ được thực hiện khá chặt chẽ nhưng kết quả lại không đạt được mục tiêu.

Cuộc duyệt binh lịch sử

Trưa ngày 30/4/1975, khi lá cờ chiến thắng của Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ với một Sài Gòn gần như nguyên vẹn. Trong không khí hân hoan đoàn tụ hai miền, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của đất nước chỉ đạo phải có một cuộc diễu binh và diễu hành quần chúng hoành tráng để khuếch trương thắng lợi và thể hiện sức mạnh dân tộc. Cuộc diễu binh và diễu hành được ấn định vào ngày 15/5/1975.

Ông Nguyễn Hữu Mão nhớ lại, khi đó có cả một "núi công việc" cần chuẩn bị trong một khoảng thời gian ít ỏi. Nhưng trong không khí hân hoan của những ngày thống nhất đầu tiên, nên dù công việc chuẩn bị rất gấp gáp nhưng anh em làm không biết mệt. Do vậy, với khối lượng công việc lẽ ra phải mất hàng tuần mới xong thì đã được hoàn thành trong có vài ngày.

Sáng 15/5/1975, đoàn xe tên lửa của Trung đoàn 263 rời doanh trại Bộ Tổng Tham mưu cũ của quân đội Việt Nam cộng hòa ra đường Công Lý, nay là đường Nguyễn Văn Trỗi và đường Nam Kỳ khởi nghĩa, thẳng tiến về hướng Dinh Độc Lập. Suốt dọc hai bên đường phố, bà con nhân dân đứng chen chân nhìn đoàn xe tăng, tên lửa và các loại vũ khí đi qua. Bên những gương mặt còn bỡ ngỡ là nhiều người không giấu được niềm vui sướng giơ tay vẫy vẫy.

“Thời khắc đó, chú và có lẽ cả những đồng đội khác nữa đều nhớ về các đồng đội đã hy sinh để chú và những anh em may mắn còn sống được tham gia cuộc diễu binh lịch sử này. Để đi tới được ngày hôm nay, cả dân tộc ta đã trải qua một cuộc trường chinh đầy hy sinh, mất mát nhưng cũng thật sự oanh liệt, vẻ vang”, ông Mão xúc động nói.

Hạnh phúc của nhân dân

“Kéo” ông ra khỏi niềm suy tưởng về những tháng ngày xưa bằng câu hỏi cảm nhận về đất nước sau 46 năm giải phóng, về sự lãnh đạo của Đảng ta hôm nay, ông nói đất nước Việt Nam bây giờ đã có bước tiến quá lớn so với ngày xưa trên mọi khía cạnh. Cuộc sống người dân đã được ấm no, hạnh phúc hơn rất nhiều. Ông rất tâm đắc vì lần đầu tiên trong Văn kiện của Đảng, cụ thể là Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh đến khát vọng phát triển đất nước, khát vọng về hạnh phúc của nhân dân, điều mà Bác Hồ đã nêu từ năm 1945 trong 6 chữ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Chỉ mong dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, những khát vọng đó sớm thành hiện thực.

“Truyền thống của người Việt Nam là yêu nước. Bao nhiêu năm người dân đã tin tưởng và đi theo Đảng. Cho đến bây giờ câu cửa miệng của nhiều người vẫn là ơn Đảng, ơn Chính phủ, ơn Nhà nước. Phải làm thế nào để những từ “ơn” ấy của người ta nói ra là thật. Muốn vậy, thì Đảng phải vì dân”, ông nói.

Box: Trong gần 10 năm (1966-1975) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Trung đoàn Tên lửa 263 đã đánh 294 trận, bắn rơi 67 máy bay Mỹ, trong đó có nhiều máy bay B-52; được tuyên dương đơn vị Anh hùng.

Thanh Tùng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load