(Xây dựng) - Có thể giữa những nặng nề thời dịch bệnh, con người luôn muốn tìm về “nốt trầm” để tâm hồn được thảnh thơi, bởi vậy 2 cuốn sách mới mà Nhã Nam phát hành được độc giả đón đọc thời gian gần đây “Thuyết khắc kỷ” và “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” đều là những cuốn sách mang tinh thần chung là nhẹ nhàng, hữu ích.
“Thuyết khắc kỷ” không chỉ đơn thuần là “sống khổ hạnh” như vẫn bị lầm tưởng. Cốt lõi của triết học khắc kỷ là lý tưởng về nhà hiền triết khắc kỷ. |
Bất kỳ ai cũng đã từng băn khoăn và trăn trở về cách phân biệt đúng sai, sinh mệnh có ý nghĩa gì và rằng hạnh phúc đang nằm ở nơi đâu. Bằng việc bước chân vào thế giới quan của các nhà khắc kỷ, bước vào hành trình suy tư chiêm nghiệm, độc giả có thể tự tìm cho mình câu trả lời xác đáng. Đóng vai trò là một cuốn sách dẫn nhập cho người mới về thuyết khắc kỷ, Tiến sĩ John Sellars đã trao cho độc giả một chiếc chìa khóa mở ra tiềm năng dẫn tới hạnh phúc nơi tâm tưởng của mỗi người.
“Thuyết khắc kỷ” được chia thành 6 chương, dẫn dắt độc giả nhập môn tìm hiểu từ hệ thống các triết gia khắc kỷ cổ đại, tới giới thiệu quan niệm triết học của các tác giả này cùng với các kiến giải dễ hiểu về các học thuyết triết học của phái khắc kỷ. Độc giả cũng sẽ được biết đến những ảnh hưởng sâu sắc của thuyết khắc kỷ đến triết học phương Tây sau này.
Chủ nghĩa khắc kỷ không chỉ là một chủ nghĩa của sự hà khắc và khổ hạnh. Đây là một lối sống tích cực, ở đó hầu như mọi bất hạnh trên đời đều bắt nguồn từ việc ta nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được mọi thứ, trong khi thực ra ta đã đặt lầm hạnh phúc của mình vào những thứ ta không kiểm soát được. Vậy nên chiếc chìa khóa cho hạnh phúc không nằm ở đâu khác mà nằm trong chính tư tưởng của ta, chỉ cần ta có thể phân biệt đúng đắn những gì “thuộc về ta” và “không thuộc về ta”.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt mang đến một phong cách hoàn toàn mới trong tập thơ thiếu nhi “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ”. |
Ra mắt vào thời điểm dịch bệnh hoành hành chưa từng có trên đất nước hình chữ S, “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” của nhà thơ Nguyễn Phong Việt gửi gắm thông điệp: Cái đáng giá nhất của mỗi con người chúng ta, phải đến khi đối diện với lằn ranh sinh tử thì ta mới càng nhận ra rõ nét, đó chỉ đơn giản là những bữa sáng giản dị, câu chuyện trò khi cha đón con về, vòng tay vỗ về lúc con ngủ mơ giật thột giữa đêm khuya.
Tập thơ “Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” như lời thủ thỉ nhẹ nhàng mà lại khiến cho độc giả cảm nhận được rất nhiều điều về cuộc sống, về tình yêu, về tình cảm gia đình. Những tâm sự nhè nhẹ và mơn man của con cái là điều vô cùng lắng đọng và giúp cha mẹ neo đậu lại những khi mệt mỏi hay buồn rầu. Và ngược lại, những lo lắng và quan tâm hằng ngày của cha mẹ cho con chính là dòng nước mát lành nuôi lớn tâm hồn con trẻ.
“Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ” là tập thơ song ngữ, độc giả nhí có thể vừa ngân nga tiếng Việt vừa học hỏi tiếng Anh. Bên cạnh đó, phần minh họa sinh động do họa sĩ Đặng Hồng Quân đảm nhiệm, vừa hợp nhãn con trẻ vừa giàu cảm xúc.
Tập thơ này là những hơi thở nhẹ nhõm trong từng giây phút hằng ngày giữa cha mẹ với con, có tiếng thở dài khe khẽ khi con ốm, có tiếng thở hân hoan chứng kiến con khôn lớn, có cả tiếng thở cần cù mỗi ngày cha mẹ lao động và chăm sóc gia đình vì con. Được tắm trong quan tâm và âu yếm của cha mẹ như thế mỗi ngày, mỗi tháng, tích lũy qua năm tháng tuổi thơ, các con hẳn sẽ hạnh phúc vô ngần. Còn gì giá trị hơn hạnh phúc ấm êm cha mẹ tặng cho con mỗi ngày? Còn gì ấm áp hơn không khi mấy chiếc ghế quây quần trong căn bếp nhỏ mỗi giờ cơm chiều?
Mộc Miên
Theo