(Xây dựng) – Đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất nặng nề đến ngành Du lịch và khách sạn trên cả nước. Tại Hà Nội nhiều khách sạn phải đóng cửa hoặc mở nhưng hoạt động cầm chừng. Một số khách sạn tiếp tục hoạt động kinh doanh nhờ nhận làm nơi cách ly cho cư dân nhập cảnh, người thuộc diện F1.
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều khách sạn ở Hà Nội phải đóng cửa. |
Theo Tiến sĩ Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư, lượng du khách nội địa Việt Nam giảm 16% và doanh thu du lịch chín tháng đầu năm giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Tiến sĩ Siêu cho biết: “Dịch vụ lưu trú, các công ty lữ hành và dịch vụ du lịch đã ngừng hoạt động hoặc tạm thời đóng cửa vì hầu hết các chuyến bay quốc tế và nội địa đều bị hủy hoặc gián đoạn đáng kể do hạn chế về du lịch. Tỷ lệ lấp đầy phòng của các dịch vụ lưu trú là khoảng 20% vào năm 2020 và dưới 10% trong năm 2021”.
Chia sẻ với phóng viên nhiều chủ khách sạn cảm thấy bị mất phương hướng khi đại dịch vẫn đang kéo dài. Đi dọc nhiều tuyến phố chính trên địa bàn Thủ đô trong thời điểm này, phóng viên ghi nhận hàng loạt cảnh khách sạn sầm uất thuở nào nay cửa đóng then cài, ẩn sau đó là việc âm thầm rao bán qua các kênh môi giới. Dịch bệnh kéo dài khiến chủ khách sạn không còn sức cầm cự để chờ du lịch phục hồi.
Nằm tại vị trí trung tâm, nhiều khách sạn tại Hà Nội từng một thời nhộn nhịp khách du lịch quốc tế, nay trở lên im lìm vắng bóng khách thuê. Để thu hút khách trong mùa dịch, nhiều chủ khách sạn đã có một số hướng đi riêng nhằm cải thiện tình trạng “ế ẩm” trong giai đoạn khó khăn này. Một số khách sạn chuyển sang cho thuê trọ, kinh doanh quần áo… Bên cạnh đó, một số khách sạn đang tham gia phục vụ công tác cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 do người cách ly tự nguyện chi trả.
Nằm trên những con phố đắt đỏ, nhưng rất nhiều các khách sạn phải đóng cửa vì thu không đủ chi. |
Để có thể tạo ra doanh thu mới bù đắp phần nào cho tổn thất công suất phòng thấp, 1 số khách sạn tận dụng nguồn lực của mình để phục vụ những nhu cầu khác như: Tận dụng không gian trống thành văn phòng cho thuê tạm thời cho các Công ty; Cung cấp dịch vụ vệ sinh cho khách hàng doanh nghiệp. Bằng cách này, khách sạn vừa có thể phục vụ nhu cầu mới và tạo điều kiện cho nhân viên của mình vẫn đảm bảo công việc. Đẩy mạnh dịch vụ ăn uống, phát triển các thực đơn mới với giá hấp dẫn để thu hút khách hàng. Ngoài ra, các khách sạn còn thực hiện phục vụ tiệc bên ngoài, hoặc giao thức ăn đến canteen của các doanh nghiệp lớn.
Một số khách sạn, nhà nghỉ biến tấu mô hình kinh doanh để thích ứng với dịch bệnh. |
Trao đổi với phóng viên, một chủ khách sạn trên phố Hàng Ngang chia sẻ: “Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng là một thách thức, vì đây là một hướng phát triển hoàn toàn mới, lợi nhuận có thấp hơn rất nhiều so với thời điểm trước dịch nhưng nó mang lại sự ổn định để vượt qua được đại dịch. Khách sạn của tôi chuyển sang cho thuê trọ và để thu hút khách hàng, tôi đã sang sửa lại phòng, giảm giá sâu cho người thuê với mức giá bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng đi làm và đặc biệt tôi miễn phí phòng ở một tháng đầu tiên cho người thuê trong tình hình dịch bệnh này”.
Anh H.A, chủ một khách sạn 3 sao trên phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm bắt đầu cho thuê trọ từ đầu năm 2021. Trước đó, 90% khách thuê phòng của anh là người nước ngoài. Giá cho khách nước ngoài thuê khoảng 800.000 đồng một đêm, 30 phòng luôn kín khách. Covid-19 ập đến, khách sạn của anh gần như bỏ hoang trong khi vẫn phải chi tiền thuê mặt bằng, công quét dọn. Anh chuyển hướng cho thuê trọ để cầm cự với giá dao động từ 2,7 triệu đồng đến 4,6 triệu đồng mỗi tháng. Hiện 9 phòng đã có người thuê dài hạn. “Tiền cho thuê chẳng thấm vào đâu so với tiền mặt bằng nhưng ít nhất khoản này cũng giúp mình đỡ nghẹt thở”, ông chủ khách sạn tâm sự.
Đối với các khách sạn khu vực phố cổ, để mở cửa lại đều phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch như: Nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, chuẩn bị thiết bị xịt khuẩn, khẩu trang khi đón khách; sử dụng hệ thống mã quét QR cho du khách khi ra, vào khách sạn.
Các chủ các chủ quán ăn, nhà hàng... cũng trong tình trạng tương tự. Để ứng phó với tình hình bình thường mới, họ phải thay đổi mô hình kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Anh N.T.H Giám đốc truyền thông chuỗi sang nhượng thương hiệu cho biết: Khi có Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và các Nghị định khác của Chính phủ, một số các cơ sở của chuỗi thương hiệu bị đóng cửa đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, để hỗ trợ tình hình kinh doanh các chủ nhà miễn giảm tiền thuê mặt bằng, nhưng bên cạnh đó cũng có chủ nhà không giảm, thật chí còn đòi tăng tiền nhà gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Kinh doanh trong thời điểm khó khăn, khách hàng có nhu cầu ăn uống tại quán ít dần. |
Chia sẻ về tình hình kinh doanh trước và sau dịch anh cho biết, doanh thu trung bình trước dịch của cửa hàng đạt 150-200triệu/tháng, lượng khách đều và đông. Sau dịch mở lại doanh thu giảm 30%-40% so với trước dịch, doanh thu bán mang về chiếm khoảng 30%-40%. Điều này cho thấy tâm lý khách hàng vẫn còn e ngại trước tình hình dịch bệnh hiện nay.
Các cửa hành đều mã QR CODE, yêu cầu khách hành khai báo y tế trước khi vào quán. |
Để đảm bảo phòng chống dịch, ngay sau khi được phép mở cửa trở lại, nhiều hàng quán cũng đã có các biện pháp phòng chống dịch, để đảm bảo an toàn đối với khách đến quán. Yêu cầu khách hàng quét mã QR CODE, lắp đặt tấm chắn giọt bắn, tất cả nhân viên đi làm lại đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Thực hiện nghiêm túc 5K của Bộ Y tế “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, để thích ứng với trạng thái bình thường mới hiện nay thì các chủ khách sạn, nhà hàng cần phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển để phù hợp với các xu hướng mới về nhu cầu du lịch.
Hạ Nhiên
Theo