(Xây dựng) - Bán dẫn là một trong những ngành mới, nhiều tiềm năng, cơ hội nghề nghiệp rộng mở và đang được nhiều trường đại học danh tiếng của nước ta chào đón. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến năm 2024, các trường đại học sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành Vi mạch bán dẫn.
Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Dương) |
Ngành “khát” nhân lực
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những ngành nhận được sự quan tâm của đông đảo thí sinh đăng ký trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là công nghiệp bán dẫn.
Theo đó, ngành Công nghiệp bán dẫn Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển bứt phá để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào các khâu, công đoạn có liên quan tới thiết kế và sản xuất đóng gói chip là khoảng 5.000, còn rất ít so với một số nước dẫn đầu như: Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ... Vì vậy, để đáp ứng kỳ vọng phát triển, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực chất lượng cao ngành Bán dẫn. Dự kiến trong năm học tới, các trường sẽ tuyển sinh đào tạo hơn 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, chủ yếu là thiết kế và 7.000 sinh viên lĩnh vực liên quan đến ngành này. Con số này sẽ tăng dần từ 20 - 30% mỗi năm.
Tại Việt Nam đang có hơn 100 trường đại học đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Mỗi năm, các trường cung cấp khoảng 50.000 kỹ sư, trong khi dự kiến thị trường đang thiếu 190.000 nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều chuyên gia dự báo, ngành này vẫn sẽ “nóng” trong thời gian tới.
Tại cuộc họp trực tuyến về đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn được tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, đến năm 2030, đơn vị phấn đấu có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bán dẫn là một trong những ngành mới, nhiều tiềm năng, cơ hội nghề nghiệp rộng mở. (Ảnh minh họa) |
Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6 - 9 tháng xuống 3 - 6 tháng.
Tại trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn. Theo GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, nếu hợp lực giữa các trường thì sẽ đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 người có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực này.
Còn theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2030, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân/kỹ sư và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Trước đây, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có đào tạo chuyên ngành gần với quy mô 200 kỹ sư và 50 thạc sĩ/năm. Hiện cơ sở đào tạo này đóng góp trên 50% nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn cho Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến, một số trường thành viên như: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Công nghệ thông tin có thể tuyển sinh trong năm nay, bao gồm cả trình độ đại học và thạc sĩ.
Thu nhập có thể lên tới 1,5 tỷ đồng/năm
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ngành Công nghiệp bán dẫn, trong đó có lĩnh vực thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh (HSIA), từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch. Trong đó, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 53% nhu cầu tuyển dụng.
Cũng theo khảo sát của HSIA, nhân sự thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 - 30 triệu đồng. Sau 6 năm, mức lương nhân sự ngành học này nhận về dao động từ 0,6 - 1 tỷ đồng/năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ/năm.
Ngành công nghiệp bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều hằng năm. (Ảnh minh họa) |
Theo ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam, ngành Công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều hằng năm. Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm, với những người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/năm.
Mức thu nhập tốt, trong khi nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành Công nghiệp chip bán dẫn của các công ty đang rất lớn. Sinh viên học năm 3 đã có thể đi làm, phần lớn tập trung vào mảng thiết kế vật lý, kiểm tra thiết kế và một số mảng khác.
Theo dự báo của trường Đại học Fullbright, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới là khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 từ trình độ đại học trở lên.
Chia sẻ với báo chí, anh Lê Thanh Bình, một kỹ sư chip bán dẫn tại Công ty ESilicon Vietnam cho biết, thông thường mức lương của sinh viên mới ra trường ngành chip bán dẫn có thu nhập từ 15 - 18 triệu/tháng. Tuy nhiên, cá nhân nào có kinh nghiệm lâu năm thì mức lương một năm làm việc phải lên tới 10 con số.
Anh Lê Thanh Bình cho biết thêm: "Tuỳ từng vị trí việc làm cụ thể hoặc thời gian làm việc, mức lương của nhân lực ngành bán dẫn sẽ khác nhau. Có những kỹ sư làm lâu năm có thể nhận mức lương lên tới 2 tỷ đồng/năm".
Nguyễn Thị Lan Oanh
Theo