(Xây dựng) - Ngày 07/12/2023 tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII”.
Diễn đàn là dịp để các chuyên gia trong ngành cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trao đổi, thảo luận, định hướng hiện thực hoá phát triển điện khí LNG tại Việt Nam; đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, góp phần thúc đẩy điện khí LNG theo đúng Quy hoạch Điện VIII đã đề ra. Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã đồng hành cùng chương trình.
Toàn cảnh chương trình “Diễn đàn Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII”. |
Với sứ mệnh mang nguồn năng lượng sạch từ thiên nhiên phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, PV GAS đi tiên phong trong lĩnh vực LNG với định hướng: giữ vững vị trí là doanh nghiệp hàng đầu trong đầu tư và nhập khẩu khí, LNG cho sản xuất điện và các hộ tiêu thụ khác; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như hiện thực hóa những khát vọng về một lộ trình “chuyển đổi xanh”, phù hợp với những cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Somsak Chutanan – Chuyên gia phát triển dự án năng lượng Thái Lan đã chia sẻ câu chuyện phát triển điện khí LNG từ Thái Lan. Chuyên gia cho biết Thái Lan là nước nhập khẩu 100% khí LNG. Tuy nhiêm, nguồn điện này lại chiếm tới hơn 50% trong tổng công suất phát điện của quốc gia này.
Ông Somsak Chutanan - chuyên gia phát triển dự án năng lượng Thái Lan. |
Tại Thái Lan, việc khai thác dòng khí tự nhiên cũng tương tự như Việt Nam. Khi phát hiện ra các mỏ, chính phủ sẽ giao cho công ty khí quốc gia làm việc với các đối tác quốc tế để phối hợp khai thác. Sau khai thác, những loại khí đều được đưa về các nhà máy sản xuất điện.
Thái Lan có một kho cảng lưu trữ khí, việc xây dựng kho này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển điện khí.Tuy nhiên, việc xây dựng cảng và nhà máy điện khí rất tốn kém. Do vậy, chính phủ Thái Lan có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân.
Về tiêu dùng và cấu thành giá điện khí của Thái Lan, ông Somsak Chutanan cho biết 50% giá điện khí được cấu thành từ giá khí cộng chi phí vận chuyển. Thái Lan có nhiều ưu đãi cho các nhà máy điện khí nên giá bán điện được phân chia rõ ràng theo nhu cầu giữa công nghiệp và sinh hoạt.
Vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí theo quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển thị trường khí LNG cạnh tranh, hiệu quả, cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơn để các doanh nghiệp chủ động, không phải chạy theo. Đặc biệt, muốn thị trường phát triển lành mạnh, đảm bảo tính công bằng cũng cần phát triển điện khí theo cơ chế thị trường, dưới sự điều tiết của Nhà nước.
Tổng kết Diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng, cần sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan. Trước tiên và quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi.
Tiếp đó, cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa EVN và các hộ tiêu thụ điện. Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế sẽ giúp có cơ hội để xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách năng lượng nói chung và điện khí LNG nói riêng; xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả tối ưu điện khí LNG; lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai.
Kiến Tài
Theo