(Xây dựng) - Những tưởng vụ việc cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12, chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào chiều 28/2, may mắn được anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu sẽ cảnh tỉnh nhiều người về ý thức bảo vệ an toàn cho trẻ. Nhưng thật đáng tiếc, khi chưa đầy 2 tháng sau, một bé gái 4 tuổi lại rơi từ tầng 24 tòa G, chung cư HH2 Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) xuống đất tử vong vào đêm 19/4 mà không một ai biết cho đến khi sự việc xảy ra.
Ban công với nội thất tự lắp gây mất an toàn cho trẻ ngay cả khi lan can chắn đã bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế. |
Đây không phải là những tai nạn hy hữu mà thực sự đã trở thành những hiểm họa rình rập trong đời sống đô thị hiện đại ngày nay. Có lẽ người ta đã quá quen với văn hoá đổ lỗi, đặc biệt từ phía các cơ quan truyền thông báo chí khi xảy ra những sự vụ đáng tiếc như này lại quay sang đặt câu hỏi về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng, vận hành, quản lý và thiết kế các tòa chung cư có đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn... mà quên đi một nhiệm vụ cũng vô cùng quan trọng là cảnh báo, giáo dục và tuyên truyền vận động người dân - những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng khi sử dụng các căn hộ chung cư cao tầng thời hiện đại.
Mấy ai còn nhớ hoặc đã từng lưu tâm đến cảnh báo của GS.TS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị khi sự vụ cháu bé rơi từ ban công tầng 12 xuống cách đây chưa đầy 02 tháng: “Các gia đình khi ở các chung cư hoặc tòa nhà cao tầng cũng cần hết sức lưu ý tới các ô cửa sổ không có rào chắn như song sắt, lưới che đảm bảo độ vững chắc cũng có thể trở thành nơi mất an toàn cho trẻ”.
Lời cảnh báo đã ứng ngay với sự vụ đau lòng của cháu bé rơi từ tầng 24 tòa G, chung cư HH2 Xuân Mai Complex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), căn hộ này chưa lắp lưới bảo vệ. Người ta xác định có thể giường ngủ của gia đình cháu bé được đặt sát cửa sổ thoáng nên cháu bé đã trèo từ giường ngủ qua cửa sổ rơi xuống đất. Có một điều không thể phủ nhận được đó là trong quy hoạch và thiết kế các chung cư và nhà cao tầng tại Việt Nam hiện nay đều đã có các quy chuẩn về đảm bảo an toàn.
“Những quy chuẩn này rất chi tiết, rõ ràng như lan can, lô gia và ban công không phân chia theo phân vị ngang mà phân chia theo phân vị dọc quy định từ tầng cao thứ 5 trở lên là lan can phải cao hơn 1,2m; hệ thống cửa, công tác quản lý như thế nào đều phải đảm bảo”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết.
Cụ thể hơn, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) dẫn chứng: Tại QCXDVN 05:2008/BXD (quy chuẩn về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe) quy định các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời, các lỗ mở (bao gồm cửa sổ) phải có lan can chắn và phải bảo đảm chiều cao tối thiểu 1,4m; đối với lan can, rào chắn tại nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng, lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên phải là 1,4m. Ngoài ra, thang đường dốc tối thiểu 0,9m; các vị trí khác tối thiểu 1,1m.
Cũng theo quy chuẩn trên, đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và khe hở của lan can không có lỗ hổng đút lọt quả cầu có đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, bảo đảm chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Bộ Xây dựng khuyến cáo không nên làm lan can bằng các thanh chắn ngang, dễ tạo thành bậc thang để trẻ em trèo, leo.
Còn theo QCVN 04: 2019/BXD (quy chuẩn quốc gia về nhà chung cư) quy định rào, lan can, ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được thấp hơn 1,4m.
Với các quy chuẩn trên, ông Vũ Ngọc Anh khẳng định: Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các chung cư, nhà cao tầng. Đây là những yêu cầu bắt buộc khi thiết kế xây dựng nhà chung cư. Vấn đề quan trọng là ý thức bảo vệ trẻ từ chính gia đình. Sự giám sát của bố mẹ, người chăm sóc trẻ rất quan trọng để bảo đảm an toàn khi trẻ em sống trong các tòa nhà cao tầng, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Trên thực tế, nguy cơ mất an toàn cho trẻ em thậm chí cả người lớn trong thời gian vừa qua.
Có thể nói, trong quá trình nghiệm thu đôi khi các cơ quan hữu quan mới chỉ chú ý về tiến độ, diện tích thi công mà chưa quan tâm tới các yếu tố đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy... nhưng khi bỏ ra một khoản tiền không nhỏ và lựa chọn một nếp sống mới, môi trường sống mới khác hoàn toàn với nếp sống truyền thống, người sử dụng cũng cần phải có ý thức bảo vệ sự an toàn cho mình. Tuy nhiên tiếc là rất nhiều gia đình trong quá trình sinh sống đã thiếu quan tâm, lơ là trong việc quản lý con cái, trẻ nhỏ là những đối tượng dễ gặp nguy hiểm.
Trong khi đó, GS.TS Doãn Minh Khôi cho rằng, việc thiết kế các chung cư và nhà cao tầng hiện nay cần phải hết sức quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho cả người lớn và trẻ em trong quá trình sử dụng.
Những vụ việc để cho trẻ nhỏ trèo ra ngoài lan can, lô gia và gặp tình huống nguy hiểm trong thời gian vừa qua nếu chỉ quan tâm đổ lỗi cho thiết kế thì sẽ còn nhiều và nhiều các bậc phụ huynh không bao giờ ý thức được trách nhiệm trong việc giám sát, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và gia đình mình.
“Không chỉ chung cư, nhà cao tầng, trường học tất cả các lan can cần phải đảm bảo không chỉ độ cao an toàn mà phải làm thế nào ngăn không để trẻ nhỏ trèo lên được”, GS.TS Doãn Minh Khôi nói .
Vị chuyên gia này dẫn chứng cảnh báo thực tế khảo sát tại các chung cư, tòa nhà cao tầng khi đi vào sử dụng gia chủ tự thiết kế hay bố trí nội thất trong nhà vô hình trung không đảm bảo an toàn như: lan can có những thanh nằm ngang có thể khiến trẻ nhỏ nghịch ngợm trèo lên; Ban công hoặc lan can rất cao nhưng phụ huynh lại kê đặt đồ vật như bàn ghế, máy giặt hoặc thậm chí là các chậu cây cảnh cũng có thể là chỗ chỗ trẻ đu bám vào để trèo lên và gặp nguy hiểm....
Về điều này, Thượng tá Đinh Tuấn Thành - Trưởng Công an quận Thanh Xuân, khuyến cáo, mỗi hộ gia đình sinh sống ở chung cư hay có nhà riêng cần bảo đảm sự an toàn cho trẻ nhỏ, tránh xa ổ điện, đường dây điện, vật liệu sắc nhọn, ô cửa phải làm thật chắc chắn, không để trẻ có thể lọt qua được.
Huệ Anh - Yến Mai
Theo