(Xây dựng) - Vừa qua, Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ cấp Bộ - Bộ Xây dựng đã tiến hành nghiệm thu nhiệm vụ khoa học: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật” phần QCVN 07-1 công trình cấp nước. Đề tài do Hội Môi trường xây dựng Việt Nam chủ trì thực hiện.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ khoa học. |
Tính cấp thiết của đề tài
Từ năm 2016 đến nay, khoa học công nghệ chuyên ngành cấp nước đã phát triển rất nhanh. Nhiều loại đường ống bằng vật liệu mới như ống HDPE, PPR... đã được dùng thay cho các loại ống thép mạ kẽm, ống PVC. Các thiết bị, các loại van thông minh điều khiển bằng thủy lực, bằng điện tử, máy biến tần điều khiển chế độ làm việc của trạm bơm ngày càng được áp dụng rộng rãi. Công nghệ xử lý nước cấp đã có nhiều đổi mới, các loại bể lắng, bể lọc được cải tiến mang lại hiệu quả xử lý cao, các công nghệ xử lý các chất ô nhiễm kim loại nặng, ô nhiễm chất hữu cơ đã được áp dụng trong thực tế. QCVN 071:2016 cần phải rà soát, chỉnh sửa, bổ sung để đáp ứng với yêu cầu thực tế ngành Cấp nước.
Những vấn đề cốt lõi
Theo Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình cấp nước là những yêu cầu kỹ thuật phải tuân thủ khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước. Những quy định trong quy chuẩn này được áp dụng cho: Các công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất; các nhà máy xử lý cấp nước từ công trình đầu tiên tới trạm bơm nước sạch; Mạng lưới đường ống và trạm bơm tăng áp trên mạng lưới. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng hệ thống các công trình cấp nước thông minh và công trình thoát nước thông minh.
Hệ thống cấp nước phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị… đảm bảo việc bảo vệ và sử dụng hợp lý các nguồn nước an toàn và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Kết cấu và vật liệu xây dựng công trình cấp nước phải đảm bảo yêu cầu bền vững, ổn định trong suốt thời hạn sử dụng (tuổi thọ) công trình dưới tác động của điều kiện tự nhiên, các tác động của môi trường xung quanh, các tác động trong quá trình vận hành. Hóa chất, vật liệu, thiết bị trong xử lý, vận chuyển và dự trữ nước sinh hoạt không được ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe con người.
Chất lượng nước cấp cho sinh hoạt phải đảm bảo yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch phục vụ cho mục đích sinh hoạt theo QCVN 01-1:2018/BYT.
Công suất của hệ thống cấp nước phải tính cho ngày dùng nước lớn nhất trong năm có tính tới hệ số dùng nước không điều hòa ngày, nước tưới đường, tưới cây, nước cho các công trình công cộng, lượng nước thất thoát và lượng nước dùng cho bản thân nhà máy nước/ trạm cấp nước; nước dùng phục vụ cho phòng cháy chữa cháy.
Đối với nguồn nước và công trình khai thác nước thô, thì chất lượng nước thô phải đáp ứng theo yêu cầu của QCVN 08-MT 2015/BTNMT về chất lượng nước mặt và QCVN 09-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước ngầm. Các loại nguồn nước khác như nước nhiễm mặn, nước lợ, tái sử dụng, nước thải cho công nghiệp và tưới cây, rửa đường không áp dụng các quy chuẩn này. Trong trường hợp khu vực chỉ có 1 nguồn nước không đạt yêu cầu theo QCVN 08-MT 2015/BTNMT và QCVN 09-MT:2015/BTNMT, cho phép sử dụng nguồn nước đó và phải có biện pháp xử lý để đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn.
Nguồn nước phải có điều kiện bảo đảm vệ sinh và tổ chức vùng bảo vệ vệ sinh, bảo vệ nguồn nước không bị nhiễm bẩn bởi các nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất và các nguy cơ ô nhiễm khác và theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Nguồn nước phải bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước về mặt lưu lượng, khả năng đáp ứng đủ lượng nước yêu cầu cho các giai đoạn quy hoạch sử dụng nước, đảm bảo lưu lượng khai thác không vượt quá 10% lưu lượng nhỏ nhất của sông tại thời điểm bất lợi nhất về mùa kiệt.
Giếng khoan khai thác nước dưới đất phải đảm bảo các quy định về kỹ thuật, ổn định về lưu lượng, chất lượng nước và độ hạ mực nước trong quá trình khai thác và phải tuân theo các quy định của pháo luật về khai thác nước ngầm. Giếng khoan phải cách xa các công trình xây dựng ít nhất 25m, đảm bảo không gây ô nhiễm cho nguồn nước. Trong trường hợp điều kiện địa chất phù hợp cho phép khai thác nước bằng hệ thống thu nước dạng tia bằng ống lọc có khe chôn ngầm trong lòng đất.
Đối với yêu cầu của trạm bơm, thì trạm bơm phải được thiết kế theo đặc điểm riêng của từng loại trạm bơm, nhưng phải có tính đến việc cải tạo, mở rộng theo quy hoạch. Trạm bơm giếng khoan phải có diện tích tối thiểu là 12m2; mái nhà trạm phải có cửa rút ống; các trạm bơm giếng xây dựng ở vùng ngập lụt phải xây dựng có cao độ sàn gian máy cao hơn độ cao mực nước cao nhất tối thiểu 0,5m.
Trạm bơm nước sạch và trạm bơm nước thô phải có thiết kế đảm bảo công trình đảm bảo an toàn, ổn định với các trường hợp thiết kế; đồng thời thuận lợi trong việc quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa.
Trạm xử lý nước cấp có công suất từ 2.000m3/ngđ trở lên phải xử lý nước cặn, bể lắng, rửa bể lọc hoặc xả vào hồ lắng nước rửa lọc với điều kiện phải tuân thủ các yêu cầu tại QCVN 40:2011/BTNMT và các yêu cầu bảo vệ môi trường khác. Phải đảm bảo đầy đủ dây chuyền công nghệ xử lý nước cấp; ngăn tiếp nhận, ngăn tách khí; hệ thống bể phản ứng – tạo ống cặn; hệ thống bể lắng, bể tuyển nổi áp lực, hệ thống các bể lọc… Loại bỏ sắt và magan trong nước…
Việc xử lý bùn cặn tại các trạm xử lý nước thải đó là phải được thu gom, làm khô, tái sử dụng tại chỗ hoặc chuyên chở tới các khu xử lý chất thải để xử lý đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường theo quy định. Phải lựa chọn công nghệ xử lý bùn cặn đơn giản, đạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước sau xử lý có thể tái sử dụng và đưa vào công trình có chất lượng nước tương đương của dây chuyền xử lý chính của trạm xử lý/nhà máy nước. Ngoài ra, bể chứa nước sạch và khử trùng nước là những khâu không thể thiếu của quy trình xử lý nước sạch.
Bên cạnh đó, diện tích đất xây dựng trạm xử lý/nhà máy nước phải đảm bảo đủ để nâng công suất trong giai đoạn phát triển đô thị tối thiểu là 10 năm. Đường nội bộ trong trạm xử lý phải có chiều rộng tối thiểu là 3,5m, đủ sức chịu tải cho xe chở thiết bị nặng nhất trong trạm và phải có chỗ quay xe. Nguồn điện cấp cho trạm xử lý là nguồn điện ưu tiên, trong nhà máy phải trang bị máy phát điện dự phòng cho trạm xử lý/nhà máy nước. Công suất của máy phát điện dự phòng phải đủ cho các công trình sản xuất chính nhà máy hoạt động…
Một số đề xuất, kiến nghị
Trước vấn đề nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến nghị đối với Bộ Xây dựng và các cơ quan hữu quan, như: Từ trên có thể thấy hệ thống cấp nước của đô thị loại III trở lên khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành mạng lưới cấp nước như: Hệ thống tin địa lý (Geological information system - GIS), Hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA System), quản lý hóa đơn thu tiền nước (WATER BILLING).
Dự án đầu tu xây dựng, hồ sơ thiết kế các công trình đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 07-1:20xx/BXD phải có thuyết minh về sự tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này. Việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế công trình cấp nước được tiến hành theo quy định hiện hành, trong đó phải có nội dung về sự tuân thủ các quy định của QCVN 07-1:20xx/BXD đối với các công trình thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn này.
Trên cơ sở các sản phẩm và nội quy của từng nhiệm vụ, Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ cấp Bộ - Bộ Xây dựng đánh giá, Đề tài được thực hiện một cách nghiêm túc, nội dung nghiên cứu phong phú, có tính đổi mới, có giá trị làm căn cứ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về Quy chuẩn quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật” phần QCVN 07-1 công trình cấp nước. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật” phần QCVN 07-1 công trình cấp nước” đạt loại Khá.
Thu Hằng
Theo