(Xây dựng) - Chiều 02/02, tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình, kết quả công tác của Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2023, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng cần tập trung triển khai thực hiện, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân chấp hành quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy...
Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận hội nghị. |
Trong năm 2023, trước tình hình cháy, nổ, sự cố, thiên tai bão, lũ diễn biến phức tạp, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai toàn diện, quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và chương trình công tác đã đề ra, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Ban Chỉ đạo đã làm tốt công tác tham mưu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, đảm bảo tuyệt đối an toàn PCCC các mục tiêu quan trọng, các sự kiện chính trị, xã hội lớn, các đoàn lãnh đạo cấp cao đến thăm và làm việc tại tỉnh... Tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nổi lên, không để phát sinh vấn đề phức tạp về PCCC.
Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về an toàn PCCC và CNCH với hình thức đa dạng, phong phú nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tham gia đảm bảo an toàn PCCC và CNCH của cán bộ và nhân dân. Chỉ đạo triển khai nhiều đợt cao điểm về PCCC và CNCH thu về nhiều kết quả nổi bật: Không để xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, tỷ lệ điều tra nguyên nhân các vụ cháy đạt cao (100%); trực tiếp cứu được 12 người, hướng dẫn thoát nạn cho hàng trăm người, ước tính tài sản cứu được lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, đã tập trung chỉ đạo khắc phục những khó khăn, áp lực công tác đảm bảo an ninh trật tự, tập trung chỉ đạo cao độ, quyết liệt, với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời để thực hiện hiệu quả cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh.
Phong trào bảo vệ toàn dân PCCC tiếp tục phát triển sâu rộng, chất lượng; xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trong năm 2023, toàn tỉnh có 82 tập thể được công nhận gương điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo an toàn PCCC; 28 lượt tập thể, hơn 100 lượt cá nhân đạt thành tích trong công tác PCCC và CNCH được Chính phủ, Bộ Công an, UBND các cấp biểu dương, tặng bằng khen, giấy khen.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành đã báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH; đồng thời đề xuất một số kiến nghị để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về PCCC và CNCH trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị. |
Tại hội nghị này, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các Sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, công điện về công tác PCCC và CNCH theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCCC trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 37/CĐ-UBND ngày 13/12/2023.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến tập huấn cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân về kỹ năng PCCC và CNCH phù hợp với từng đối tượng; tập trung tuyên truyền về kết quả công tác PCCC của các lực lượng chức năng. Tiếp tục triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình an toàn PCCC theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản tại các cụm dân cư, cụm doanh nghiệp, các khu công nghiệp, tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng, đảm bảo tuyên truyền an toàn PCCC đối với 01 người/01 hộ gia đình; mỗi gia đình tự trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy.
Các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về PCCC, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, hướng dẫn an toàn PCCC; siết chặt công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Đặc biệt, lưu ý các trường hợp vi phạm nghiêm trọng về PCCC (như vi phạm chế độ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC...), cơ sở chây ỳ trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm công tác PCCC dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; tập trung tham mưu, chỉ đạo các giải pháp quyết liệt để khắc phục. Trường hợp không đủ điều kiện quy định của pháp luật phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ để khắc phục (đối với các cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng và các công trình trong quá trình hoạt động có cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng tuy nhiên chưa được thẩm duyệt điều chỉnh phải tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2024).
Tiếp tục rà soát, củng cố, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các Đội PCCC dân phòng, Đội PCCC cơ sở và chuyên ngành theo quy định, giải quyết kịp thời, hiệu quả ngay từ đầu, từ cơ sở khi xảy ra các vụ cháy, nổ... Duy trì hiệu quả và nhân rộng các mô hình, các gương điển hình trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, tạo phong trào thi đua, góp phần thực hiện tốt hơn, lan tỏa hơn phong trào toàn dân PCCC từ tỉnh đến cơ sở...
Quang Hợp
Theo