(Xây dựng) - Mở cửa đón khách từ ngày 19/6, Bảo tàng Báo chí Việt Nam kể lại câu chuyện lịch sử Báo chí bằng trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu độc đáo và quý hiếm hứa hẹn sẽ thu hút công chúng.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam nằm tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam, đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội. |
Xuất phát từ ý tưởng tâm huyết giữ gìn, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam với ba dự án thành phần: Dự án trưng bày Bảo tàng; dự án sưu tầm hiện vật và tài liệu; dự án tuyển dụng và đào tạo nhân sự Bảo tàng.
Không gian chính của Bảo tàng gồm 2 tầng trong đó bao gồm 5 phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865-1925, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925-1945, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945-1954, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954-1975, Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay.
Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 15.000 m2 và được thể hiện bằng giải pháp đồ họa trên đai vách, bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…
An Nam tạp chí – tờ tạp chí chuyên về văn học đầu tiên của Việt Nam được trưng bày tại Bảo tàng.
Hệ thống loa phát thanh ở vĩ tuyến 17 có thể truyền xa 10km, công suất 500W, là một trong hàng nghìn kỷ vật được trưng bày trong Bảo tàng.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam được triển khai theo hướng xây dựng hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Các hệ thống màn hình được tích hợp thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống, hoạt động và cống hiến báo chí qua các thời kỳ.
Máy ảnh cơ – một trong những trang thiết bị tác nghiệp thời trước của nhà báo được trưng bày tại Bảo tàng.
Phong phú các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng.
Ngô Thị Quỳnh Nga
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Theo