(Xây dựng) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, tại phiên họp chiều 23/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Qua theo dõi, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã quan tâm xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri đạt trên 99%.
Quốc hội thảo luận phiên toàn thể kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội). |
Triển khai hiệu quả hoạt động giám sát
Tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, giám sát tối cao nói riêng đã được triển khai hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã chú trọng giải quyết kiến nghị của cử tri, thể hiện tinh thần cầu thị, tích cực, chủ động khắc phục những hạn chế, đề ra những biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành, từ đó gỡ khó về cơ chế, hoàn thiện chính sách pháp luật.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, cử tri đánh giá cao việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã quan tâm xem xét, giải quyết 2.210/2.216 (đạt gần 100%) kiến nghị của cử tri.
Việc nghiên cứu tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và nhân dân trong cả nước.
Tuy nhiên, từ thực tiễn tham gia công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri có thể thấy, vẫn còn một số tồn tại như việc tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho các dự án luật đôi khi còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả.
Trong quá trình giám sát, việc đánh giá kết quả tổ chức thi hành luật, pháp lệnh của các cơ quan có thẩm quyền nhiều khi còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu chịu sự giám sát; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tổ chức thực hiện các kết luận giám sát, nghị quyết của Quốc hội về giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả giám sát chưa cao…
Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn thiện phương thức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đại biểu cũng đề nghị nên bổ sung quy định về hình thức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thông qua hình thức phản hồi của cử tri về kết quả giải quyết đó, tức là quy định cụ thể về việc lấy ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ kiến nghị có được cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời, đầy đủ, đúng quy định pháp luật hay không.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết kiến nghị của cử tri
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương kiến nghị Quốc hội cần có nghị quyết chuyên đề tại mỗi kỳ họp Quốc hội về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ giải pháp thực hiện, nhất là đối với các kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết để Quốc hội và cử tri theo dõi, giám sát.
Đại biểu Ngọc Xuân cho biết, bắt đầu từ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội thảo luận trực tiếp tại hội trường về vấn đề này và truyền hình trực tiếp cho cử tri theo dõi, tuy nhiên, với hàm lượng nội dung rất ít và rất khái quát, chưa rõ giải pháp, tiến độ thực hiện. Đại biểu tỉnh Bình Dương kiến nghị cần thiết phải có một nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, với nội dung rõ hơn về giải pháp, về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tương tự, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội trong thời gian tới có nhiều hình thức hơn nữa trong công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành Trung ương; đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tránh tình trạng tiếp thu chung chung, không có giải pháp và hướng giải quyết cụ thể; nên công khai, minh bạch việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, Chính phủ, các Bộ, ngành cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc phối hợp xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri theo đúng quy định. Cần có văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri riêng cho mỗi tỉnh, thành phố, không nên trả lời chung tại một văn bản, gây khó khăn trong quá trình theo dõi, cập nhật, thống kê thông tin đến cử tri.
Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, chất lượng trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri là vấn đề cần được thảo luận, xem xét kỹ lưỡng hơn. Theo đó, những vấn đề mà cử tri nêu ra cần được nghiên cứu xem xét, xử lý đến cùng, không nên để đơn thư của cử tri gửi đến cơ quan chức năng một cách kéo dài.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân kiến nghị Ban Dân nguyện hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể đưa ra quy chế ngoài các quy định trong luật để phối hợp giữa các bên trong việc đẩy nhanh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. Việc làm này cũng là góp phần trả lời kịp thời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội yêu đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, những cơ quan của Chính phủ, các Bộ, ngành khẩn trương trả lời để cử tri không phải mòn mỏi chờ đợi…
Linh Đan
Theo