(Xây dựng) - Cuối năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận những khởi sắc đến từ hiệu quả của chính sách vĩ mô và niềm tin nhà đầu tư trở lại. Đây sẽ là tiền đề cho sự khởi sắc của cổ phiếu ngành Xây dựng trong năm 2024.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành với gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc về liên doanh Vietur đã tạo nên sự phấn khích trên thị trường cổ phiếu ngành Xây dựng. |
Bất động sản đã “thoát đáy”
Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những biến động mạnh mẽ khi ghi nhận sự tăng mạnh rồi sụt giảm bởi những thay đổi trong chính sách tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index kết thúc năm với mức tăng 12% (tính bằng VND) và 9% (tính bằng USD).
Bước qua năm 2024, những chính sách linh hoạt của Chính phủ tiếp tục là động lực mạnh mẽ giúp lãi suất ổn định và nhà đầu tư sẽ tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận và định giá cổ phiếu.
Các chuyên gia nhận định, công ty niêm yết sẽ phục hồi từ không tăng trưởng trong năm 2023 lên mức tăng trưởng 10-15% trong năm 2024. Trong bối cảnh phục hồi và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, ngành Xây dựng cũng đã và đang đón nhận nhiều điểm sáng trong phát triển…
Thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã qua giai đoạn khó khăn nhất. |
Cụ thể, dữ liệu từ Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho thấy, từ nửa cuối năm 2022 đến hết quý I/2023 là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản cả nước. Quý I/2023 được coi là “vùng đáy” của thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh với mức tăng trưởng âm đến (-16,2%).
Tuy nhiên, số liệu từ quý II/2023 đến cuối năm 2023, có thể khẳng định thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy vẫn còn tăng trưởng âm, nhưng đã giảm rõ rệt với mức tăng trưởng âm cả năm 2023 chỉ còn là (-6,38%).
HoREA cũng cho biết, 02 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI nhiều nhất và trên thị trường chứng khoán thì cổ phiếu bất động sản cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường. Với đà phục hồi này có thể nhận định là thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.
Nhận định về cổ phiếu ngành Xây dựng trong bối cảnh hiện tại, ông Chen Chia Ken (Mr Jacky) – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho biết: Cổ phiếu ngành Xây dựng nói chung, cụ thể là nhóm ngành Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp đã có một năm khá thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023, với diễn biến chỉ số toàn ngành tăng trưởng 56,1% so với 12,2% VN-Index năm 2023. Tuy nhiên, đối với nhóm xây dựng dân dụng vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sự ảm đạm và gần như đóng băng của thị trường bất động sản dân dụng trong năm qua, đã làm cho doanh thu của nhóm ngành này chạm đáy.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu ngành Xây dựng đã có mức tăng khiêm tốn hơn so với toàn thị trường nói chung và so với các nhóm ngành khác như ngân hàng, bất động sản, viễn thông. “Chúng tôi tin rằng, triển vọng của cổ phiếu ngành Xây dựng có thể được thể hiện rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025, vì đây là thời điểm thị trường bất động sản ghi nhận sự chuyển biến với kỳ vọng rằng các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ và thị trường đón nhận các yếu tố hỗ trợ tích cực như lãi suất thấp, nền kinh tế phục hồi, từ đó giúp các doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường, tạo điều kiện cho sự phục hồi của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng” – Mr. Jacky nhận định.
Sự tăng trưởng tập trung vào nhóm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp
Năm 2023, nhóm ngành Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công nghiệp đã có một năm thành công trên thị trường chứng khoán, với chỉ số toàn ngành tăng trưởng 56,1% so với 12,2% VN-Index.
Ông Chen Chia Ken (Mr. Jacky) – Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Phú Hưng. |
Theo Mr. Jacky, đầu tư công sẽ tiếp tục là trụ cột và động lực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện tại và cả trong trung và dài hạn. Vì vậy, dư địa tăng trưởng dành cho nhóm ngành Xây dựng hạ tầng giao thông vẫn rất lớn với các hợp đồng thi công dự án lớn trong giai đoạn này.
Mr. Jacky cũng chỉ ra những biến động tích cực trên thị trường thể hiện tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng tươi sáng của nhóm ngành xây dựng thông qua các điểm nhấn cụ thể như: Sự thúc đẩy đầu tư công từ Chính phủ, đặc biệt trong công tác xây dựng kết nối hạ tầng. Trong năm 2023, Việt Nam đã khởi công 1.270km đường cao tốc trên toàn quốc, một con số ấn tượng vì trong vòng 2 thập kỷ vừa qua, Việt Nam chỉ mới khai thác được 1.163km.
Bên cạnh đó, nhiều đại dự án được triển khai trong thời gian qua, tiêu biểu là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc về liên doanh Vietur đã tạo nên sự phấn khích trên thị trường trong giai đoạn đó.
Năm 2023 – Năm thành công nổi bật trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) – khi dòng vốn đăng ký tăng mạnh 32% so với cùng kỳ khi đạt 36,6 tỷ USD và nguồn vốn giải ngân cũng đạt kỷ lục 23,2 tỷ USD tăng 3,5% so với cùng kỳ. Với việc các doanh nghiệp FDI liên tục đặt nhà máy tại Việt Nam sẽ giúp cho các nhà thầu xây lắp công nghiệp tăng thêm được tỷ trọng nhóm ngành trong giai đoạn khó khăn của mảng xây dựng dân dụng.
Kết quả kinh doanh của nhóm ngành cổ phiếu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp trong năm qua phần lớn các doanh nghiệp đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về mặt doanh thu trong năm 2023 với hàng loạt các hợp đồng công trình mới như các dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam; hệ thống đường dây điện 500kV; các nhà máy mới của doanh nghiệp FDI... “Tất nhiên, vẫn có một số nhà thầu phải đối mặt với nhiều khó khăn đến từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; chi phí lãi vay từ đó làm giảm đi đáng kể hiệu suất sinh lợi của doanh nghiệp” - Mr Jacky cho biết thêm.
Công Danh
Theo