(Xây dựng) - Trong những năm qua, huyện Mỹ Đức (Thành phố Hà Nội) luôn xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM; 3 xã Hồng Sơn, Hương Sơn, Phùng Xá xây dựng Nông thôn mới nâng cao đạt từ 14-15 tiêu chí; huyện đang hoàn thiện các tiêu chí để hoàn thành huyện NTM trong năm 2022.
Một góc huyện Mỹ Đức (Nguồn: Internet). |
Báo cáo của Huyện ủy Mỹ Đức cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song trong năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, mà hạt nhân là Ban Thường vụ Huyện ủy, đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chính trị.
Tính đến tháng 10/2022, tăng trưởng kinh tế của huyện tăng 9,2% so cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 197,2 tỷ đồng (đạt 109% dự toán thành phố giao). Huyện đã chủ động trong việc giải quyết những khó khăn về an ninh trật tự trên địa bàn; giải quyết dứt điểm nhiều nội dung, vụ việc phức tạp, nhạy cảm trên địa bàn; góp phần giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế…
Đến nay, 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025. Mỹ Đức cũng có 3 xã: Hồng Sơn, Hương Sơn, Phùng Xá xây dựng NTM nâng cao đạt từ 14 đến 15 tiêu chí.
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng có nhiều tiến bộ. Tổng giá trị sản xuất đạt 9.551,3 tỷ đồng, đạt 81,3% kế hoạch. Trên địa bàn huyện có 24 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 36 trang trại chăn nuôi, 35 trang trại thủy sản, 7 trang trại tổng hợp.
Huyện cũng đã tập trung chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã, liên thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%. Toàn huyện có 50/80 trường đạt chuẩn quốc gia, 1 trung tâm y tế huyện, 21 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. 122/122 thôn có nhà văn hóa, đạt 100%; có 113/122 thôn được công nhận và duy trì danh hiệu "Làng văn hóa”. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hiện chỉ còn 0,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/người/năm.
Về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Mỹ Đức có 31 làng nghề, làng có nghề truyền thống, trong đó có 6 làng nghề đã được công nhận. Toàn huyện có 24 sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP…
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, bên cạnh những kết quả đạt được, Mỹ Đức vẫn còn một số hạn chế. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm, các ngành kinh tế trong khu vực nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của huyện còn chậm, chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong khi đó, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất nông nghiệp còn ít, chưa tạo được nhiều nông sản, hàng hóa có thương hiệu, giá trị thu nhập/ha canh tác còn thấp.
Để khắc phục những hạn chế đang gặp phải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, huyện rà soát lại các tiêu chí chưa đạt gồm y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống; giao UBND huyện Mỹ Đức tập trung phối hợp với các Sở, ngành sớm hoàn thiện các tiêu chí để hoàn thành huyện NTM trong năm 2022. Cùng với đó, Mỹ Đức chủ động rà soát, hoàn thành việc chuẩn bị các thủ tục đầu tư, bảo đảm tỷ lệ giải ngân năm 2022 của huyện đạt 100% kinh phí đã được thành phố hỗ trợ theo đúng cam kết; chủ động phối hợp với Sở Quy hoạch-Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện; trong đó, cần chú trọng định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch các vùng chuyên canh tập trung; phát triển công nghiệp, du lịch sinh thái, tâm linh để làm cơ sở cho phát triển kinh tế-xã hội của huyện trong thời gian tới.
Thu Hằng
Theo