(Xây dựng) - Là vùng đất cổ, nơi sinh sống của ba dân tộc Thái, Mường, Kinh, trong đó người Mường và Thái chiếm gần 90%, Lang Chánh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, những bản làng bình yên. Đặc biệt, nơi đây có một lợi thế về du lịch không đâu có được, đó là tên suối, tên sông, tên làng bản đã đi vào truyền thuyết, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của vị “anh hùng áo vải” Lê Lợi.
Chùa Mèo nổi tiếng linh thiêng, nơi thường xuyên du khách gần xa tới thăm. |
Những địa danh lịch sử, gắn với khởi nghĩa Lam Sơn
Trong số những điểm du lịch được ưa thích, điểm du lịch cộng đồng bản Năng Cát, xã Trí Nang là địa chỉ quen thuộc với du khách. Nằm cách trung tâm huyện khoảng 20 phút chạy xe, có khí hậu mát mẻ quanh năm, Năng Cát là nơi sinh sống của người Thái, nổi bật với nếp nhà sàn cổ truyền thống, những bộ trang phục dân tộc sặc sỡ sắc màu, những đêm lửa trại với tiếng “khặp” dặt dìu trong điệu xòe uyển chuyển của các sơn nữ. Cùng với đó là sự thú vị, độc đáo về ẩm thực với rượu cần, cơm lam, ốc núi…
Cách bản Năng Cát không xa là thác Ma Hao hùng vĩ, có độ cao 1.200 m, bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh mây phủ. Đến đây, thả mình trong làn nước trong veo, mát lạnh, ngắm nhìn thác nước dội ầm ầm, tung bọt trắng xóa giữa đại ngàn bao la, bao nhiêu âu lo, phiền muộn của du khách sẽ tan biến, nhường chỗ cho sự phấn khởi, yêu đời, yêu thiên nhiên.
Muốn tìm sự thanh thản, tĩnh lặng trong tâm hồn, du khách hãy ghé chùa Mèo (còn có tên là chùa Hà), nằm gần thị trấn, được mệnh danh là một trong 3 ngôi cổ tự đẹp nhất Việt Nam, được xây dựng từ thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Với địa thế đẹp về phong thủy “tả thanh long - hữu bạch hổ”, hai bên dựa vào hai dãy núi Pù Bằng, Pù Rinh, mặt tiền nhìn xuống sông Âm. Trải bao thời gian, mưa nắng, không tránh khỏi xuống cấp, chùa đã được đầu tư kinh phí, tôn tạo, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trầm mặc soi bóng xuống dòng sông Âm.
Ngoài chùa Mèo, du khách ưa thích du lịch tâm linh, du lịch sinh thái còn có thể tìm theo dấu vết tiền nhân nơi dòng nước hai con suối là suối Vớ và suối Láu. Tương truyền rằng, trong những ngày “nằm gai nếm mật”, Lê Lợi cùng ba quân dừng chân đóng trại và luyện binh bên bờ hai dòng suối này. Để tỏ tình đoàn kết, ngài đã cho đổ vò rượu duy nhất còn lại xuống suối Vớ, tướng sỹ cùng múc uống. Và “sự kiện này” sau đó đã được ghi lại trong áng hùng văn bất hủ của Nguyễn Trãi “Tướng sỹ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” trong “Đại cáo Bình Ngô”. Còn tại suối Láu, để khích lệ ba quân, mưu thần Nguyễn Trãi đã ngầm sai người bôi mật vào lá cây, kiến ăn mật đục thủng lá cây, hiện ra dòng chữ “Lê Lợi vi Vương, Lê Lai vi Tướng, Nguyễn Trãi vi Thần”. Ngoài hai dòng suối trên, tương truyền bản Năng Cát chính là nơi nghĩa quân Lam Sơn từng hạ trại, nấu cơm, do khi ăn có cát lẫn cơm khi vo gạo dưới suối nên Lê Lợi đã đặt tên cho bản là Năng Cát.
Khu trung tâm hội nghị huyện Lang Chánh. |
Đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch
Để đánh thức tiềm năng sẵn có, tháng 5/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định “Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Theo đó, dự án có tổng diện tích lên tới 10.292 ha, tổng mức đầu tư 1.115 tỷ đồng, với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch tâm linh; du lịch khám phá, mạo hiểm… bao gồm hàng loạt điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, kỳ thú. Trong đó, riêng hệ thống thác nước đã có nhiều điểm thú vị như thác Mây, thác Bảy Tầng, thác Ông, thác Bà, thác Đá Đen, thác Xanh, thác Hón Lối…
Cùng với Đề án đầy tham vọng nhưng rất thực tế trên, điểm du lịch cộng đồng Bản Năng Cát - thác Ma Hao cũng đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, có tổng diện tích 14.7 ha, mức đầu tư trên 113 tỷ đồng. Ngoài hệ thống đường, điện cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, hiện chủ đầu tư đang đẩy nhanh xây dựng các hạng mục công trình, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, lưu trú dài ngày của du khách.
Bên cạnh đầu tư phát triển, khai thác tiềm năng du lịch, công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Lang Chánh cũng trên đà khởi sắc. Đến nay, huyện đã thu hút được 15 DN, cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản đầu tư, hoạt động tại địa bàn. Ngoài ra, năm 2022 còn có hàng loạt dự án mới quy mô lớn được triển khai như: Dự án nhà máy chế biến tre, luồng của Công ty King Bamboo Vina, diện tích xây dựng 15 ha, tổng đầu tư 289 tỷ đồng, công suất chế biến 80 triệu cây tre, luồng/năm, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2022; Dự án trồng 2.000 ha xoài keo và 1.000 ha chanh leo đã được ký biên bản ghi nhớ với chủ đầu tư; Dự án trồng 2.000 ha cây dược liệu; Dự án trồng 1.000 ha rừng sặt đang được xúc tiến… Ngoài ra, đến nay đã thu hút được 6 dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn; trong đó có 4 dự án chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao tại Giao An và Trí Nang, quy mô 12.000 lợn nái, 40.000 lợn thịt/năm đã đi vào hoạt động, góp phần đáng kể về tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện (30/8/1982 - 30/8/2022) trong những ngày thu tháng 8 này, toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lang Chánh đang ra sức thi đua, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, từng bước đưa Lang Chánh trở thành điểm sáng về du lịch, một trong những địa phương dẫn đầu khu vực miền núi của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng.
Đào Nguyên
Theo