(Xây dựng) – Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội, dọc các tuyến phố Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy), Nguyễn Chí Thanh, Xã Đàn, Thái Hà (Đống Đa), Văn Cao (Ba Đình), Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng)... mô hình thùng rác công nghệ đã được đưa vào hoạt động, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.
Mô hình thùng rác công nghệ được kỳ vọng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị. |
Hệ thống thùng rác công nghệ tại Hà Nội được lắp đặt và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019. Thùng được thiết kế thành 2 ngăn riêng biệt để phân loại rác tái chế và rác không tái chế. Ngoài ra, tấm pin mặt trời đặt trên mái giúp tạo nguồn điện phát sáng bảng quảng cáo khi trời tối.
Mô hình này được triển khai nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, hướng tới việc hình thành thói quen vứt rác đúng nơi quy định, đặc biệt là thay đổi nhận thức trong việc phân loại rác thải.
Sau gần 4 năm triển khai, dù tiện lợi là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, tại một số địa điểm, thùng rác công nghệ chưa được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí rất lớn.
Cụ thể, trên các tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Xã Đàn (Đống Đa), Văn Cao (Ba Đình), Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy)... thùng rác công nghệ dù đã được thiết kế tách biệt 2 ngăn, có chú thích rõ ràng nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn, không phân loại.
Tại một số thùng rác, người dân bỏ những lọ thủy tinh, bìa carton, vỏ lon, chai nhựa, hộp giấy vào ngăn rác thải không tái chế được, trong khi đó rác thải sinh hoạt lại bỏ vào ngăn tái chế được. Những hành động này rõ ràng đã làm giảm hiệu quả của thùng rác công nghệ.
Thùng rác công nghệ trên phố Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng), dù đã được thiết kế 2 ngăn tách biệt nhưng người dân vẫn bỏ rác lộn xộn. |
Chị Vũ Thị Vân Anh, một người dân sinh sống tại ngõ 110, phố Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Thùng rác công nghệ có lợi trong việc bảo vệ môi trường, làm đẹp hơn cho những tuyến phố, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều người không phân biệt được loại rác, cứ tiện tay là vứt. Vứt rác đúng quy định đã khó, thì nói gì đến phân loại”.
Cũng theo chị Vân Anh, người dân cần phải có thêm thời gian để tạo thói quen vứt rác đúng nơi quy định.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Mơ, người dân sống tại tuyến phố Hoàng Quốc Việt chia sẻ: “Dù thùng rác được chia thành 2 ngăn nhưng chỉ mang tính hình thức vì nhiều người chưa có ý thức cũng như thiếu kiến thức về việc phân loại rác thải. Một số hộ gia đình còn coi thùng rác công nghệ là địa điểm tập kết rác sinh hoạt. Vào những ngày rác chưa được thu gom kịp thời, mưa xuống khiến nhiều chỗ bốc mùi, đọng nước bẩn, gây mất vệ sinh”.
Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Thị Hoa, nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: “Người dân để đầy rác thải sinh hoạt xung quanh thùng rác công nghệ, rồi cả trên lắp, gây ứ đọng, mất mỹ quan, khiến công việc thu gom rất vất vả, chúng tôi lấy rác ra cũng khó, nhất là gặp mấy hôm trời mưa, nước ngấm vào, lúc bê lên nước bẩn đổ rớt đầy người”.
Mô hình thùng rác công nghệ vốn được coi là giải pháp sáng tạo vì cộng đồng, nhưng để phát huy tối đa hiệu quả của nó cần có sự chung tay, phối hợp của chính quyền và cả người dân. Mỗi người cần phải tự ý thức được hành vi của mình, từ đó thay đổi thói quen vứt rác đúng nơi quy định, góp phần giữ gìn cảnh quan Thủ đô xanh – sạch – đẹp, xây dựng văn minh nơi đô thị.
Dưới đây là một số hình ảnh mô hình thùng rác công nghệ tại Hà Nội chưa được sử dụng hiệu quả:
Dù thùng rác ở ngay bên cạnh nhưng rác vẫn bị vứt ngổn ngang ra bên ngoài, gây khó khăn cho nhân viên môi trường.
Thùng rác công nghệ vô hình chung trở thành địa điểm tập kết rác sinh hoạt của người dân.
Rác thải sinh hoạt chưa qua phân loại chất đống bên cạnh thùng rác công nghệ.
Cận cảnh bên trong thùng rác công nghệ trên đường Văn Cao, quận Ba Đình.
Bên cạnh đó, nhiều thùng chứa rác ở bên trong thậm chí còn bị úp ngược, bề mặt bên ngoài bị tô, viết bẩn.
Thùng rác công nghệ trên tuyến phố Xã Đàn, quận Đống Đa bị che kín, không thể sử dụng.
Nhiều thùng rác công nghệ tại Hà Nội đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng.
Bùi Thị Nga
Theo