(Xây dựng) - Sáng 18/02, UBND huyện Lộc Hà phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và dòng họ Phạm Bá (xã Mai Phụ) tổ chức trọng thể lễ đón nhận di tích quốc gia đền thờ Phạm Tôn Tuyển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao bằng công nhận cho con cháu trong dòng họ cùng quê hương. |
Phạm Tôn Tuyển thuộc đời thứ 6 dòng họ Phạm Bá, sinh vào năm Ất Hợi (1695) tại làng Vĩnh Luật nay là thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ (Lộc Hà). Là người am hiểu đạo cương thường và giàu nghĩa khí. Ông là một nhân vật có nhiều công lao, đóng góp cho lịch sử quê hương, đất nước ở thế kỷ XVII. Ông từng giữ một số chức vụ quan trọng trong quân đội dưới thời Lê - Trịnh, được phong hàm Chánh nhất phẩm. Đặc biệt, Phạm Tôn Tuyển cũng là người đã góp công giúp dân khai khẩn đất đai, đắp đê ngăn mặn, mở rộng ruộng đất canh tác. Những cánh đồng rộng tại vùng đất Mai Phụ đến nay vẫn còn gắn với tên tuổi của Phạm Tôn Tuyển như: Đồng Chung, Đồng Nẩy, Bải Cáng, Cửa Vườn...
Ông mất vào ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch, không rõ năm. Sau khi ông mất, vua Khải Định đã 2 lần ban sắc phong tôn vinh, ca ngợi công đức của ông đối với đất nước. Ông được tôn làm Thành hoàng và thờ tại đình làng Vĩnh Phúc, được thờ tại miếu Nhà Quan. Đền thờ tướng công Phạm Tôn Tuyển được nhân dân lập đền thờ trên diện tích tự nhiên 555,5m2, bao gồm các hạng mục: Cổng, tắc môn, nhà bia, hạ điện, tả vu, hữu vu và thượng điện. Thời gian gần đây, con cháu dòng họ đã tu bổ lại một số hạng mục. Hiện nay, tại Đền thờ Phạm Tôn Tuyển vẫn còn lưu giữ được khá nhiều tư liệu quý như các bản sắc phong, gia phả, đồ tế khí...
Lế rước bằng đã được tổ chức long trọng, trang nghiêm. |
Năm 2007, Đền được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4243/QĐ-BVHTTDL công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho Đền thờ Phạm Tôn Tuyển.
Đón nhận Bằng công nhận Di tích quốc gia đền thờ Phạm Tôn Tuyển là dịp để cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Hà và con cháu dòng họ Phạm Bá tưởng nhớ tiền nhân, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Phương Dung
Theo