(Xây dựng) – Vừa qua, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam – CTCP (LILAMA) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty LILAMA Lê Văn Tuấn phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. |
Tại Đại hội, các cổ đông của LILAMA đã được nghe trình bày Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021, định hướng kế hoạch hoạt động năm 2022 của Hội đồng Quản trị; Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2021 và kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022 của Ban Tổng giám đốc; Báo cáo hoạt động năm 2021 và kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Kiểm soát; và nhiều văn bản quan trọng khác.
Trong năm 2021, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty. Nhưng với sự cố gắng và nỗ lực cao độ của Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, nhân viên, LILAMA vẫn đảm bảo hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Các dự án thi công bám sát tiến độ thực tế và kế hoạch đề ra, bảo đảm an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư, tổng thầu và nhà thầu chính.
Theo đó, trong năm 2021, LILAMA đạt doanh thu 3.388 tỷ đồng, tương đương 110% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 24,1 tỷ đồng, tương đương 120% so với kế hoạch và nộp ngân sách Nhà nước 47 tỷ đồng.
Các dự án LILAMA thi công như Nhiệt điện Sông Hậu 1, Nhiệt điện Nghi Sơn 1 hay Đường ống dẫn khí Nam Công Sơn 2 đã bàn giao cho chủ đầu tư vận hành thương mại, đang tiến hành thanh quyết toán hợp đồng.
Dự án Nhà máy phân đạm Brunei đã hoàn thành công tác thi công và nhận được chứng nhận PAC vào tháng 11/2021. Hai gói thầu G và B tại dự án Hóa dầu Long Sơn cơ bản hoàn thành công tác thi công. Gói thầu A1 ký với tổng thầu TPSK dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022.
Tại dự án Nhiệt điện Vân Phong 1, LILAMA cơ bản đáp ứng tiến độ của tổng thầu và tính đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 45% khối lượng công việc so với hợp đồng đã ký.
Nhưng dù đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2021, Tổng Công ty LILAMA vẫn đứng trước thách thức không nhỏ khi thị trường công việc lắp đặt, chế tạo không thuận lợi; các dự án đầu tư công đình hoãn, giãn tiến độ; tỷ suất sinh lời dự án thấp.
Mặt khác, với cơ cấu vốn chủ sở hữu thấp, nợ vay lớn, chi phí lãi vay cao; dòng tiền thực tế thu được từ các dự án chậm (có doanh thu nhưng chưa có dòng tiền), còn nhiều nợ đọng, nợ khó đòi, thâm hụt dòng tiền và còn nhiều vướng mắc như Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1… khiến cho cân đối, thu xếp dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty gặp không ít khó khăn.
100% cổ đông biểu quyết thông qua toàn bộ các nội dung được trình bày tại Đại hội. |
Trên cơ sở đánh giá thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế, các dự án hiện hữu và tiềm năng, những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường cùng với thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty, các chỉ tiêu về giá trị sản xuất kinh doanh của LILAMA trong năm 2022 dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2021. Doanh thu giảm khoảng 13%, nộp ngân sách Nhà nước giảm 16% và lợi thuận trước thuế tăng 20%.
Trên cơ sở phát huy tinh thần làm việc tích cực và hiệu quả, các cổ đông đã biểu quyết thông qua toàn bộ các nội dung được trình bày tại Đại hội với số phiếu tán thành 100%.
Dịch Phong (ảnh: Đức Bảo)
Theo