(Xây dựng) – Ngày 27/7, Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị cán bộ lấy phiếu tín nhiệm đối với Lãnh đạo Bộ Xây dựng; Hội nghị triển khai công tác quy hoạch chức danh lãnh đạo Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2026 – 2031 thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Xây dựng; Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Toàn - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo tóm tắt nội dung Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm chính là thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp uỷ, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ. Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo quy định này và các văn bản liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Văn Toàn báo cáo nội dung Quy định số 96-QĐ/TW. |
Phạm vi, đối tượng thực hiện lấy phiếu là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Cán bộ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.
Căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm, các cấp uỷ, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định, trong đó xác định cụ thể: Mục đích, yêu cầu, số lượng và chức danh lấy phiếu tín nhiệm, thành phần ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh, việc công khai và sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; phân công tổ chức thực hiện… phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cấp uỷ và chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị gồm 3 bước. Bước 1: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm; Bước 2: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; Bước 3: Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Kết quả phiếu tín nhiệm được công khai đối với tập thể và cá nhân là thành phần tham gia ghi phiếu tín nhiệm, cấp có thẩm quyền trực tiếp quản lý cán bộ, cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm…
Các đơn vị, cá nhân thực hiện bỏ phiếu lấy phiểu tín nhiệm chức danh Lãnh đạo Bộ Xây dựng. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác cán bộ, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều giải pháp toàn diện đối với công tác cán bộ như lựa chọn, đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo cán bộ, luân chuyển, điều động, xây dựng chính sách cho cán bộ…
Trong đó, lấy phiếu tín nhiệm là một trong nững nội dung quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ được các đơn vị thực hiện theo định kỳ. Theo đó, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm theo đúng quy định của Bộ Chính trị.
Lấy phiếu tín nhiệm nhằm mục đích phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, qua đó góp phần đánh giá úy tín, quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ; giúp các cán bộ, từng đồng chí lãnh đạo, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm tự đánh giá, tiếp tục phấn đấu rèn luyện. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát cán bộ; là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý cán bộ theo thẩm quyền có kế hoạch đào tạo cán bộ.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Từ đó, các đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Đồng thời, thông qua nội dung báo cáo, thực tế làm việc, các cá nhân cần có đánh giá khách quan, trách nhiệm, trung thực, công tâm về người được lấy phiếu tín nhiệm. Người được tín nhiệm phải có sự phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành và nhiệm vụ được giao.
Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng đã thành lập ban kiểm phiếu và tổ giúp việc cho ban kiểm phiếu thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh Lãnh đạo Bộ. Sau khi tiến hành kiểm phiếu, kết quả lấy phiếu tín nhiệm Lãnh đạo Bộ gồm Bộ trưởng và các Thứ trưởng đều ở mức độ tín nhiệm cao.
Cùng ngày, Ban Cán sự Đảng cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác quy hoạch chức danh lãnh đạo Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2026 – 2031 thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo đó, Hội nghị tiến hành bước 3 (Hội nghị cán bộ chủ chốt) và bước 4 (Hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng) trên cơ sở danh sách đã được thông qua tại bước 2…
Yến Mai – Nhật Minh
Theo